Đó có thể coi là một chủ trương quyết liệt nhằm ngăn chặn tình hình hàng giả, hàng nhái tràn lan trong nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và nhất là chợ truyền thống suốt thời gian dài vừa qua.
Tại cuộc làm việc về tình hình thị trường, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM bức xúc đặt câu hỏi: “Tại sao những sản phẩm làm giả các thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế vẫn “chui” vào được các Trung tâm thương mại, siêu thị lớn? Đặc biệt, những sản phẩm được làm giả bây giờ “lấn” cả sang những sản phẩm tiêu dùng đắt tiền”. Rồi ông tự trả lời: “Rõ ràng có một bộ phận cán bộ quản lý thị trường làm ngơ”.
Theo các cơ quan chức năng, phần lớn các sản phẩm giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng đều có xuất xứ từ Trung Quốc, được đưa vào Việt Nam bằng đường chính ngạch lẫn buôn lậu qua các cửa khẩu. Vì thế mà người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm mang các nhãn hiệu như Louis Vuitton, Chanel, Gucci, Dolce & Gabbana… ở các sạp chợ lẻ hay sạp vỉa hè với giá chỉ một vài trăm ngàn VNĐ; những loại sản phẩm điện tử, chất tẩy rửa, hàng tiêu dùng của các hãng Mỹ, Nhật Bản, Đức, Italy… có giá chỉ bằng 5-10% so với hàng “xịn”…
Báo cáo của Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho biết mỗi năm cơ quan này phát hiện khoảng 700 vụ việc liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó phần lớn là hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng. Nhiều loại hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng quốc tế thậm chí còn được bày bán công khai trong các siêu thị.
Ở Singapore, người viết từng chứng kiến cảnh những nhân viên quản lý thị trường sáng sớm cầm một chiếc máy (đoán là máy “đọc” nhãn hiệu sản phẩm) bấm vào từng sản phẩm một được trưng bày trong mỗi sạp hàng. Những sản phẩm nào bị chiếc máy này phát hiện là hàng nhái, hàng giả thì lập tức bị buộc đưa ngay ra khỏi sạp hàng. Một nhân viên quản lý thị trường ở khu thương mại Bugis cho biết: Nếu sau khi bị phát hiện mà người kinh doanh vẫn cố tình đưa sản phẩm đó ra bán cho khách hàng thì họ có thể bị truy cứu hình sự.
Chính sử dụng biện pháp mạnh, với sự công tâm và tận tụy của lực lượng quản lý thị trường, nên ở Singapore không có đất cho hàng giả, hàng nhái.
Lẽ ra, việc phát hiện và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái; xử lý người kinh doanh hàng giả, hàng nhái phải được thực hiện từ lâu. Để đến bây giờ là quá muộn. Nhưng dẫu sao, muộn còn hơn không.
Mặt hàng thịt heo được chọn để bắt đầu việc “đột phá” thanh lọc sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng. “Bắt buộc tiểu thương phải chứng minh được nguồn gốc sản phẩm, không chứng minh được thì kiên quyết không cho hàng vào chợ”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Tất nhiên, từ chủ trương đến hiệu quả thực tế là một chặng đường dài. Và để thực hiện được chủ trương ấy thì cần có một lộ trình hợp lý. Đồng thời với việc đầu tư nhân sự và phương tiện kỹ thuật có đủ năng lực để kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ.
“Bạch hóa” nguồn gốc, chất lượng sản phẩm là yêu cầu bức thiết của người tiêu dùng. Đó cũng là cơ hội để những nhà sản xuất trong nước vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Quả là một mũi tên trúng hai đích”!