Liên quan đến vụ việc bé sơ sinh nặng 4,8kg, bị các biến chứng nghiêm trọng như: gãy xương đòn, liệt tay phải, tràn dịch màng phổi, viêm phổi,… phía bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã đình chỉ bác sĩ điều trị trực tiếp. Sở Y tế tỉnh này cũng đã chỉ đạo bệnh viện lập hội đồng chuyên môn để xem xét vụ việc.
Ngày 7/12, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho hay, đã chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị sớm lập hội đồng chuyên môn để xem xét việc một bé gái nặng 4,8 kg bị gãy xương đòn, tràn dịch màng phổi… khi sinh ra tại Bệnh viện này.
“Hiện bệnh viện đã tạm đình chỉ công tác đối với bác sĩ Lê Thị Tú Linh, người trực tiếp ở đó và điều trị cho bệnh nhân. Hội đồng chuyên môn của bệnh viện sẽ họp chính thức, mời giám đốc và các cán bộ, lãnh đạo của Sở Y tế để đánh giá lại toàn bộ sự việc, làm rõ sự cố sản khoa xảy ra do nguyên nhân gì và mức độ vi phạm để đưa ra quyết định kỷ luật phù hợp”, ông Nhuận nói.
Trước đó, Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu Sở Y tế Quảng Trị chỉ đạo bệnh viện họp hội đồng chuyên môn xem xét vụ việc và có hình thức xử lý kỷ luật thích hợp đối với cán bộ sai phạm nếu có. Hội đồng sẽ kiểm điểm xem có gì sai sót, vừa để xử lý, đồng thời rút kinh nghiệm và thông báo với gia đình.
Vào ngày 14/11, sản phụ Trần Thị Th. T. (SN 1995, trú tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) nhập viện chờ sinh với sức khỏe bình thường. Thai nhi được siêu âm với cân nặng hơn 4kg.
Phía gia đình sản phụ đã đề nghị sinh mổ nhưng phía bệnh viện yêu cầu sinh thường. Tuy nhiên, bé gái sinh ra nặng 4,8kg nhưng bị các biến chứng nghiêm trọng như: gãy xương đòn, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, liệt cơ hoành, gan đẩy lên cao…
Gia đình sản phụ cho rằng các y bác sĩ tắc trách gây nên vụ việc đau lòng này. Ngày 21/11, gia đình anh Trần Văn Thắng – chồng sản phụ T.) đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng trình bày vụ việc con anh đang nguy kịch sau khi sinh thường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.
Theo nội dung phản ánh, sau khi nhập viện, sản phụ T. được siêu âm, kết quả thai nhi nặng 4,3 kg. Gia đình xin được sinh mổ để tránh rủi ro nhưng về phía các bác sĩ phụ trách không đồng ý và chỉ định cho sinh thường.
Đến 12h cùng ngày, sản phụ T. được đưa vào phòng đẻ và sinh 1 bé gái, nặng 4,8kg, ngạt tím tái, được chẩn đoán gãy xương đòn bên trái, liệt tay phải, phổi xẹp một phần. Cháu bé sau đó phải thở bằng máy, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.
Trong đơn kiến nghị, phía gia đình yêu cầu Bệnh viện làm rõ trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ tham gia thực hiện ca sinh, làm rõ trách nhiệm cá nhân gây hậu quả cho cháu bé.