Vừa qua, câu chuyện mẹ bỉm sữa Nguyễn Ngọc Yến (SN 1990, ở Phú Cường, Sóc Sơn, Hà Nội), bị tố dùng sữa giả đem cho các mẹ bỉm sữa khác để trục lợi gây nóng trên các trang mạng xã hội. Không chỉ có vậy, nhiều người còn cho rằng, chị Yến lập ra hàng loạt Facebook giả mạo để mời cho sữa rồi ngỏ ý lợi dụng lấy tiền. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp xúc với Pv Đời sống Plus, chị Yến đã công khai xuất hiện rồi phủ nhận mọi thông tin và khẳng định rằng bản thân không yêu cầu ai đưa tiền, sữa mà chị đem đi cho là sữa thật chứ không phải sữa giả như mọi người tung tin.
Tiếp theo đó, sự việc lại càng gây tranh luận và có thêm nhiều người lên tiếng tố cáo và vạch trần việc làm sữa mẹ giả của chị Yến trên các trang mạng xã hội. Họ bóc mẽ, tố cáo một bà mẹ 9x này với hành vi pha trộn sữa Ông Thọ làm sữa mẹ giả để đi cho các mẹ bỉm sữa khác nhằm trục lợi. Câu chuyện này lại gây nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng bởi nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Ngày 4/4, Pv Đời sống Plus đã đến trụ sở Công an huyện Sóc Sơn để tìm hiểu.
Chị Yến và gia đình đã lên tiếng khẳng định thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật, bản thân chị không hề trộn sữa Ông Thọ rồi đem đi cho các bà mẹ bỉm sữa khác cho con ăn. Chị Yến lại càng không yêu cầu ai đưa tiền mà chỉ có các bà mẹ đến lấy sữa rồi quà cáp cho con gái chị hoặc bồi bổ cho chị.
Sau đó, để chứng minh cho lời nói, chị Yến đã trực tiếp thực hiện quy trình “sản xuất” sữa trước mặt PV và hàng xóm ở cạnh nhà mẹ đẻ của chị ở thôn Đạc Tài, xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội).
Chỉ trong 9 phút thực hiện quá trình hút sữa, chị Yến đã hút được 2 bình sữa khoảng hơn 500ml. Nếu hút tiếp chị vẫn có thể hút được 2 bình như trên, nhưng do chị đang mang bầu nên đã dừng lại.
Xoay quanh câu chuyện bị tố trên mạng xã hội, chị Yến cho biết, bản thân chị và gia đình rất buồn và mệt mỏi bởi những bình luận ác ý của nhiều người không hiểu bản chất sự việc. Thậm chí, chị Yến còn phải khóa các Facebook lại vì quá nhiều bình luận chửi mắng, lấy ảnh chị mang đi đăng tải khắp nơi khiến chị bị xúc phạm.
Trao đổi với PV Đời sống Plus, một cán bộ thuộc Công an huyện Sóc Sơn xác nhận: “Đúng là tôi có tiếp nhận phản ánh của một vài người lên trình báo sự việc xin sữa rồi chuyển tiền cho một người. Tuy nhiên, khi tiếp nhận sự việc, nhận thấy đây là việc dân sự, lại lằng nhằng không thể khởi tố được nên bên tôi không tiếp nhận đơn và khuyên các cô ấy”.
Cũng theo vị cán bộ này, để kết luận một ai đó lừa đảo cần rất nhiều yếu tố và bằng chứng, bản chất của việc này là xin sữa xong gửi tiền. Tuy nhiên, số tiền đó không đáng kể, có cái hơn 1 triệu, có cái hơn chục triệu.
Đến thời điểm hiện tại, sự việc trên vẫn chưa biết ai đúng ai sai và vẫn gây tranh cãi theo hai luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Việc kiểm nghiệm chất dinh dưỡng trong sữa của chị Yến khi các bà mẹ bỉm sữa khác xin về vẫn chưa có kết quả.
Mặc dù câu chuyện trên chưa rõ thực hư nhưng đây cũng là bài học cho tất cả mọi người, đặc biệt là những bà mẹ cho sữa cần phải rõ ràng, minh bach. Còn những bà mẹ đến xin sữa cũng phải xác minh nguần sữa mẹ đảm bảo để cho con sử dụng.