Trong quá trình mang thai, bộ ngực của bạn sẽ thay đổi rất nhiều do sự thay đổi hormone trong cơ thể nhằm chuẩn bị cho việc cho con bú. Bạn có thể trải qua một số hoặc tất cả các dấu hiệu, nhưng có một điều chắc chắn là bộ ngực của bạn sẽ thay đổi mãi mãi sau quá trình mang thai và sinh con. Bạn nên chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi này.
1. Ngực lớn hơn
Vòng bụng không phải là vùng duy nhất nở rộng khi bạn mang thai. Khi bạn bắt đầu mang thai, số lượng mô mỡ và lưu lượng máu đến bộ ngực của bạn tăng lên để giúp các ống dẫn sữa và các tuyến vú phát triển. Chỉ trong vòng 6 tuần của thai kì, ngực của nhiều phụ nữ có thể lớn hơn đến 1 số cúp ngực hoặc nhiều hơn.
2. Ngực nặng hơn
Với sự gia tăng của lưu lượng máu và sự mở rộng các mô tuyến, bộ ngực của bạn sẽ sưng lên. Ngoài ra, ngực và cơ thể bạn sẽ bắt đầu giữ lại chất lỏng, một tác dụng phụ của việc tăng progesterone và estrogen. Đến tháng thứ 9 của thai kì, ngực của bạn có thể nặng hơn đến gần 1kg.
Quá trình mang thai và làm mẹ sẽ làm thay đổi đáng kể bộ ngực của bạn (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
3. Các mạch máu nổi rõ
Đây là kết quả của việc gia tăng lưu lượng máu, dẫn đến việc các tĩnh mạch giãn nở ra và nổi rõ hơn phía dưới da.
4. Ngực bị đau
Trong thai kì, ngực bạn trở nên rất nhạy cảm. Lượng máu tăng, các mô bị sưng và lượng chất lỏng tích lại sẽ khiến chúng bị đau. Thực tế, đau ngực cũng là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang mang thai.
5. Sự thay đổi của núm vú
Núm vú của bạn sẽ nhô ra phía trước hơn so với trước khi mang thai. Ngoài ra, quầng vú cũng lớn hơn và sẫm màu hơn, kết quả của hàm lượng estrogen tăng cao. Những chấm nhỏ nằm trên quầng vú cũng nở rộng và bắt đầu tiết ra chất dầu nhằm bảo vệ núm vú và quầng vú của bạn khỏi khô nứt trong quá trình biến đổi của cơ thể.
6. Tiết dịch
Ở giai đoạn giữa hoặc cuối thai kì, bạn có thể nhận thấy một số chất dịch màu vàng chảy ra từ núm vú. Đây chính là sữa non được cơ thể tiết ra vào giai đoạn sau của thai kì và một vài ngày sau sinh. Chất lỏng đặc và dày này có thể tự khô và đóng lớp xung quanh núm vú nếu không quá ẩm ướt. Tuy nhiên, nếu chất dịch này tiết ra quá mức và làm ngực bạn trở nên ẩm ướt, bạn có thể dùng thêm miếng đệm vú để khắc phục.
7. Vết rạn da
Tất cả những sự nở rộng và sưng lên có thể khiến ngực của bạn bị kéo giãn, và nhiều khả năng để lại những vết rạn. Khi da bị kéo giãn, bạn cũng sẽ thấy ngứa ở vùng ngực. Bạn có thể làm dịu sự khó chịu này và giữ cho bộ vú được mềm mại bằng cách thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm và trước khi đi ngủ.
8. Áo lót
Bạn cần mua cho mình một chiếc áo ngực phù hợp với kích cỡ mới của bộ ngực và giúp hỗ trợ cho phần lưng của bạn khỏi sức nặng này. Bạn nên chọn loại có dây đeo dày, không gọng, dây đeo vai rộng và có các nấc điều chỉnh độ rộng. Lựa chọn áo ngực cotton thay vì loại sợi tổng hợp sẽ giúp ngực thoải mái hơn vì chúng cho phép da được “thở”. Bạn cũng đừng quên mặc áo nâng ngực vào ban đêm để thoải mái hơn khi ngủ, bạn có thể sử dụng áo ngực thể thao chất liệu cotton, áo ngực cho bà bầu hoặc loại áo lót mặc khi ngủ cho phụ nữ mang thai.
9. Ngực bị chảy xệ
Sau khi cai sữa cho con, ngực của bạn sẽ trở lại màu sắc và kích thước bình thường như trước khi mang thai. Tuy nhiên, làn da bị kéo giãn và những vết rạn sẽ vẫn còn đó. Đừng quá phiền lòng vì điều này bởi chúng chính là những dấu vết của quá trình mang thai và làm mẹ thiêng liêng làm thay đổi cuộc đời bạn mãi mãi.
Bà mẹ 8x khiến nhiều cha mẹ xấu hổ vì từng đánh con
(Làm Mẹ) – (Phunutoday) – Không ít người không thể ngừng được hành động đánh con mỗi khi bực tức vì áp lực, vì bị trẻ “làm phiền” và vì “nói mà con không nghe”. |