Hồi 10 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,5 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.
Hồi 13 giờ ngày 03/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,4 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km. Đến 13 giờ ngày 04/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 260km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9 và có mưa dông mạnh; biển động. Từ sáng mai (4/11), do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị-Quảng Ngãi, tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-3m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong tháng 11, sẽ có từ 1 – 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.