Trên thực tế, vẫn có không ít điểm vui chơi, dịch vụ ăn uống “ngấm ngầm” hoạt động thâu đêm suốt sáng. Ở những nơi ấy, cửa vẫn đóng chặt, nhưng vẫn hé mở khi có những vị “khách quen” ghé lại. Nếu không phải là “khách quen” thì không thể biết được những gì diễn ra sau những cách cửa đóng im ỉm ấy.
Sau 0 giờ, Sài Gòn vẫn thức. Nhiều con đường ở khu trung tâm vẫn đông đúc người qua lại. Nhiều gánh hàng rong vẫn không ngừng thao thức. Người ta vẫn có thể tìm thấy nhiều thứ để đáp ứng nhu cầu lúc nửa đêm. Chỉ có điều, những thứ này dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, vì nó diễn ra trong một “mạch ngầm” xuất phát từ những yêu cầu tự nhiên.
Chính vì thế, có những ý kiến đề xuất thành phố nên thành lập khu vực vui chơi giải trí “đặc biệt” mở cửa đến sáng. Những người ủng hộ đề xuất này giải thích rằng, nhu cầu giải trí sau 0g của người dân là có thật. Hơn nữa, khu vực này còn thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài, mang lại lợi nhuận kinh tế.
Nhưng cũng có không ít ý kiến phản đối, khi cho rằng sẽ nảy sinh nhiều phức tạp, bất cập trong cách thức tổ chức và quản lý, đồng thời với vấn đề an ninh và nguy cơ nảy sinh tệ nạn…
Liên tưởng với Singapore, một quốc gia có hệ thống quản lý xã hội hoàn hảo, cũng là nước có “thái độ cứng rắng” đối với rượu bia và tệ nạn. Từ hơn 1 năm nay, nước này đã cấm mua bán, sử dụng rượu bia vào buổi tối ở nhiều khu vực. Quy định này của nhà chức trách đã giải quyết cơ bản tình trạng lạm dụng rượu bia gây mất an ninh trật tự và mỹ quan trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, không vì thế mà cuộc sống về đêm ở đây trở nên đơn điệu, nhạt nhẽo và kém sôi động. Vì một số khu vực ẩm thực, vui chơi giải trí vẫn được phép mua bán, sử dụng rượu bia trong giới hạn, vní dụ như khu Clarke Quay hay Newton Food Centre.
Nhiều nước khác thì “thoáng” hơn, khi lập ra những khu vực chuyên dành cho các hình thức vui chơi giái trí đặc biệt, mà gần Việt Nam nhất là Thái Lan với phố Tây Khaosan. Ở đó, du khách có thể vui chơi “thâu đêm suốt sáng”, với rất nhiều loại hình dịch vụ và được cung ứng đầy đủ đồ ăn, thức uống. Đặc biệt, vấn đề an ninh trật tự và đảm bảo thuần phong mỹ tục ở đó vẫn được duy trì nhờ có sự giám sát chặt chẽ của nhà chức trách.
Theo TS, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TPHCM), khách du lịch người nước ngoài có “thời gian biểu” rất khác biệt so với người Việt Nam, nhất là nhu cầu vui chơi giải trí về ban đêm. Hơn nữa, họ cũng chính là đối tượng có thể mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể góp phần phát triển kinh tế – văn hóa của thành phố. Vì thế, cần phải “tạo điều kiện” cho họ để có thể vui chơi giải trí một cách thoải mái – trong khuôn khổ luật pháp và ngưỡng văn hóa phù hợp.
Để việc vui chơi, giải trí này không ảnh hưởng tới nhịp sống chung của thành phố thì việc lập những khu vui chơi giải trí riêng biệt là giải pháp hiệu quả nhất.
Vấn đề đặt ra là công tác quản lý, phải làm sao để duy trì an ninh trật tự và đảm bảo các hoạt động vui chơi (theo màu sắc của “Tây”) không đi quá xa với chuẩn văn hóa của ta? Thật ra, nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng với một đất nước đang có sự hội nhập văn hóa mạnh mẽ như Việt Nam, đặc biệt là TPHCM, thì nỗi lo sợ về “vi phạm thuần phong mỹ tục” theo tư duy cũ kỹ đã không còn phù hợp nữa. “Những nhu cầu rất “con người” cần được đáp ứng, nhưng tất cả đều nằm dưới sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Chỉ có thành lập riêng những khu vui chơi như vậy thì mới có thể quản lý được”, PGS. TS Vũ Hào Quang, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo trung ương), lý giải.
Khi ấy thì những khu vực “bình thường” ngoài “khu vực đặc biệt” nói trên vẫn nên cấm quán bar hoạt động sau 0g và quán Internet hoạt động sau 22g để đảm bảo an ninh trật tự cho người dân xung quanh.
Từ xưa, Sài Gòn vẫn được coi là “thành phố không bao giờ đi ngủ”. Đó là nét “đáng yêu” cần duy trì, nhưng cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ lợi ích chung của số đông cư dân thành phố.