Ngon 1, hại 10
Chẳng mấy ai ưa loài chuột gặm nhấm, thậm chí, nhiều người nhìn thấy là chỉ muốn đánh, muốn đuổi. Ấy vậy mà ở nhiều vùng quê, thịt chuột lại trở thành đặc sản, không chỉ xuất hiện trong bữa cơm hàng ngày mà còn cả trong cỗ cưới. Tại nhiều nơi, cỗ mà không có thịt chuột thì không xôm, không ngon, không sang. Tất nhiên, chuột ở đây không phải là chuột cống, chuột chũi mà phải là chuột đồng – loài ăn lúa, khoai, ngô ngoài bãi.
Thịt chuột sau khi làm sạch sẽ có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như: rô ti, nướng, xào củ kiệu, kho rau răm hay tẩm gia vị rán giòn… Anh Ngô Ngọc Hùng, Thạch Thất, Hà Nội – một dân “nghiền” thịt chuột phân trần: “Ở làng mình, chuột được bán khá nhiều ngoài chợ. Người dân ở đây coi thịt chuột là một đặc sản, thỉnh thoảng mới dám mua để đổi bữa hay tiếp khách quí. Bản thân mình cũng rất “nghiền” món này. Chẳng cần chế biến cầu kỳ, cứ rửa sạch hấp xả ớt thì bao nhiêu cũng hết. Hôm nào có thêm vài ly rượu nữa thì cứ gọi là tuyệt”.
Trên thực tế, người ta thích chuột đồng một phần vì hương vị, phần nữa là do tin tưởng chúng là thực phẩm sạch, sống ngoài tự nhiên, không bị ảnh hưởng của thuốc tăng trọng hay kháng sinh các kiểu. Thế nhưng, thời gian qua đã có không ít các vụ nhập viện do thịt chuột gây ra.
Cụ thể, đầu tháng 2/2016, một bé trai 12 tuổi người Đồng Tháp đã phải nhập viện trong tình trạng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, rối loạn đông máu tái đi tái lại nhiều lần. Hỏi ra, các bác sĩ mới biết, bé trai này là một “fan cứng” của thịt chuột. Và nguyên nhân gây ra tình trạng này là do đã ăn phải thịt chuột bị đánh bả.
Trước đó, cũng tại tỉnh này, 3 người trong 1 gia đình, sau khi ăn thịt chuột xào măng thì đều bị đau bụng dữ dội, buồn nôn và tiêu chảy nhiều lần. Kết quả xét nghiệm cho thấy, cả 3 đều bị ngộ độc thực phẩm, cụ thể là thịt chuột.
Không chỉ có ở nước ta, nhiều nước khác trên thế giới cũng sử dụng thịt chuột như một nguồn thực phẩm bổ dưỡng và không ít trường hợp đã phải trả giá đắt. Năm 2013, tại lễ hội ẩm thực Minneapolis (Mỹ), 81 người đã phải nhập viện với nhiều biểu hiện bất thường về đường tiêu hóa sau khi ăn thịt chuột lang nướng.
Điều tệ hại là ngay cả những người không ăn cũng xuất hiện dấu hiệu ngộ độc tương tự. Theo ông Bill Belknap, phát ngôn viên Y tế công cộng quận Hennepin, Minnesota, rất có thể vi khuẩn gây bệnh ở chuột đã lan sang các thực phẩm khác bằng hình thức lây chéo.
Tại sao chuột đồng có thể gây bệnh?
Tính đến thời điểm này, tất cả các ca nhập viện cấp cứu đều khẳng định mình đã sử dụng thịt chuột đồng để chế biến. Vậy tại sao chuột đồng lại có thể gây bệnh trong khi nó là thực phẩm sạch, sống ngoài tự nhiên?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, về bản chất, chuột đồng cũng như các loại thịt khác, đều lành tính và giàu dinh dưỡng. Đông y cũng khẳng định, thịt chuột đồng có vị ngọt, tính hơi ấm, có tác dụng mạnh khí, ích tinh, liền vết thương, liền xương cốt… Các phân tích dinh dưỡng còn cho thấy: thịt chuột đồng chứa 23,6% protid, 1% lipid, 0,1% carbon hydrat, 30mg% canci, 242%mgphotpho và nhiều vitamin quan trọng khác.
Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng làm thực phẩm ngày càng cao, chuột đồng dần trở nên khan hiếm. Thực chất, vì lợi nhuận, không ít người đã sử dụng chuột cống để “giả dạng” chuột đồng đem ra chợ bán.
Về hình thức bên ngoài, PGS Thịnh cho rằng khó có thể phân biệt được đâu là chuột đồng, đâu là chuột cống, nhất là sau khi đã được làm lông sạch sẽ. Chính vì lẽ đó, chuyện mua nhầm chuột cống về ăn là điều không tránh khỏi. Bản thân chuột cống ăn những thực phẩm bẩn, lại sống ở môi trường ô nhiễm nên thịt của nó ắt chứa nhiều vi khuẩn độc hại gây bệnh. Và khi chúng ta ăn phải, tình trạng ngộ độc xảy ra là điều dễ hiểu.
Bên cạnh việc ăn nhầm thịt chuột cống, PGS Thịnh cho rằng: trong một vài trường hợp, thịt chuột đồng cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể, nếu ăn phải những con chuột bị dịch hạch, chúng ta cũng dễ mắc bệnh này.
Thực tế, dịch hạch không lây truyền qua đường ăn thịt chuột, thế nhưng, nếu người làm chuột có vết thương hở trên da thì vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập theo con đường này vào cơ thể. Cũng bởi dịch hạch có thể lây truyền qua đường hô hấp như ho, hắt hơi, khạc nhổ… nên một người mắc bệnh dễ khiến nhiều người mắc bệnh theo.
Bàn về trường hợp bé trai 12 tuổi ngộ độc chất warfarin có trong thuốc diệt chuột khi ăn thịt chuột đồng, PGS Thịnh cho rằng: tình huống này thường chỉ xảy ra khi đó là thịt chuột gia đình mua từ ngoài chợ về để chế biến. Bởi lẽ, sau khi ăn phải bả, con chuột sẽ chết ngay hoặc có những biểu hiện bất thường. Nếu là tự đi đánh bắt về ăn, người ta sẽ không bắt những con chuột này. Trong khi đó, nếu là để bán, vì lợi nhuận, họ có thể bất chấp mọi nguy hại với sức khỏe người tiêu dùng.
Vẫn theo PGS Thịnh, hiện nay, tại Việt Nam, chưa có môt cơ quan chức năng nào đứng ra quản lý chất lượng của thịt chuột nên nếu không may, chúng ta hoàn toàn có thể ăn phải những con chuột đồng mắc bệnhn hay chết vì bả trước khi giết mổ. Đấy là chưa kể đến nhiều trường hợp còn ăn phải chuột cống, thậm chí là chuột cống mắc bệnh… Thế nên, để an toàn cho sức khỏe, tốt hơn hết là nên hạn chế sử dụng loại thực phẩm này, trừ khi tự đánh bắt. Và nếu đánh bắt, khi giết mổ, phải đeo găng tay và khẩu trang đầy đủ, phòng nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với loài động vật này.