Tỷ lệ tử vong vì tiêu chảy cao thứ 2
Tiêu chảy là bệnh xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Thực tế, đây là căn bệnh hay gặp thứ 2, chỉ sau nhiễm khuẩn hô hấp và có tỷ lệ tử vong thứ 2, chỉ sau suy dinh dưỡng. Tính trung bình, trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị tiêu chảy khoảng 3 lần/năm. Ở nông thôn, tỷ lệ này lên tới 5-6 lần/năm.
Theo định nghĩa chuyên khoa, tiêu chảy là đi ngoài với phân có dịch và nước nhiều hơn 3 lần/ngày. Khi bị tiêu chảy, nhiều trẻ thường kèm theo sốt, nôn, đau bụng… Các triệu trứng này xuất hiện tùy từng nguyên nhân gây bệnh là do virus, vi khuẩn, hay sử dụng kháng sinh trường kỳ…
Tiêu chảy tuy chỉ là bệnh nhỏ nhưng nếu không được chăm sóc cẩn thận, đúng cách, nó sẽ khiến trẻ bị mất nước, suy dinh dưỡng, từ đó dễ dẫn đến tử vong. Thực tế, những năm 1990, mỗi năm có khoảng 300.000 trẻ em Việt Nam đã tử vong vì tiêu chảy.
Còn nhớ, những năm ấy, trẻ bị tiêu chảy thường được khuyên là chỉ nên ăn cháo trắng loãng. Người ta cho rằng: thức ăn chứa đạm, hay chất béo sẽ tăng thêm gánh nặng cho đường tiêu hóa và khiến tiêu chảy trở nên nghiêm trọng hơn. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng suy kiệt sức khỏe ở trẻ bị tiêu chảy dài ngày.
Những năm gần đây, người ta đã hiểu ra rằng: dinh dưỡng khi trẻ bị tiêu chảy là vấn đề vô cùng quan trọng bởi nó sẽ cung cấp năng lượng cho trẻ “chiến đấu” với bệnh tật. “Vùng cấm” của thực phẩm khi bị tiêu chảy dường như đã bị xóa bỏ. Trẻ bị tiêu chảy giờ đây được cho ăn gần như tất cả các loại thức ăn ở dạng mềm, lỏng, dễ tiêu hóa. Tuy nhiên, có nên cho trẻ uống sữa hay không vẫn là một câu hỏi khiến không ít người băn khoăn.
Không phải cứ tiêu chảy là không thể dung nạp lactose
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, lo lắng về việc uống sữa làm tăng nặng tình trạng tiêu chảy của các bậc cha mẹ không phải là không có cơ sở. Bởi lẽ, khi bị tiêu chảy, men lactase trong ruột – một loại men có tác dụng tiêu hóa và hấp thụ đường lactose bị suy giảm. Trong khi đó, lactose lại là loại đường có trong hầu hết các loại sữa động vật (cả sữa tươi lẫn sữa công thức các loại).
Một khi đường lactose không được tiêu hóa, nó sẽ chuyển thành acid lactic gây tiêu chảy. Chính điều này dẫn tới trường hợp trẻ bị tiêu chảy nhiều hơn hơn sau khi uống sữa.
Tuy nhiên, bác sĩ Hằng cho rằng, không phải bất cứ trường hợp tiêu chảy nào cũng không được uống sữa. Thống kê tại các bệnh viện cho thấy, chỉ có khoảng 50-70% trẻ tiêu chảy nặng nhập viện có biểu hiện không dung nạp đường lactose. Thế nên, trong những trường hợp trẻ chỉ ăn uống được rất ít, cha mẹ hoàn toàn có thể bổ sung sữa cho con.
Tất nhiên, khi bổ sung cần chú ý đến các biểu hiện của trẻ. Nếu thấy các dấu hiệu bất dung nạp lactose như: nôn ói, tiêu chảy tăng lên, phân lỏng toàn nước có mùi chua hoặc có bọt, hậu môn đỏ… thì cần dừng lại. Lúc này, nếu vẫn muốn cho con sử dụng sữa, bạn có thể sử dụng loại sữa đặc biệt đã tách bỏ lactose (lactofree). Khi trẻ được uống sữa loại này, các triệu chứng trên giảm rõ rệt, tiêu chảy cầm, phân đặc và giảm độ chua, trẻ chịu ăn và mau chóng khỏi tiêu chảy.
Vẫn theo bác sĩ Hằng, có một điều đặc biệt là lactose có mặt trong hầu hết các loại sữa động vật, trong đó có cả sữa mẹ, thế nhưng, lactose trong sữa mẹ lại hoàn toàn vô hại với đường ruột, ngay cả khi nó bị tổn thương do tiêu chảy. Chính bởi thế, với trẻ đang bú mẹ hoàn toàn, khi bị tiêu chảy, bạn càng cần phải cho trẻ bú nhiều hơn, bởi đó là cách tự nhiên nhất cung cấp kháng thể và dinh dưỡng giúp trẻ hết tiêu chảy. Theo đó, cách bú tốt nhất là cho bé bú cạn một bên vú rồi mới chuyển sang bên còn lại.
Trên thực tế, khi thấy trẻ bị tiêu chảy, nhiều người đã tự ý cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy. Việc này hoàn toàn là sai lầm. Thông thường, tiêu chảy thường do nhiễm trùng đường ruột và đi tiêu với số lần nhiều như vậy chính là cách cơ thể tự loại bỏ chất độc ra ngoài.
Những loại thuốc cầm thường có tác dụng làm giảm nhu động ruột, từ đó giảm số lần số lần đi tiêu khiến nhiều người tưởng nhầm rằng tiêu chảy đã suy giảm. Thế nhưng, thực chất bên trong, hiện tượng tiêu chảy vẫn xảy ra và nếu không được xuất ra ngoài, phân sẽ ứ đọng trong ruột và gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng như: chướng bụng, viêm ruột, tắc ruột…
Về bản chất, điều trị tiêu chảy khá đơn giản với nguyên tắc chính là bù nước, bù khoáng và dinh dưỡng đầy đủ. Các loại thuốc như: kháng sinh, cầm tiêu chảy… thực sự không cần thiết nếu không muốn nói là còn làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Do đó, việc sử dụng bất cứ loại thuốc nào cũng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.