Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ một hoàn cảnh thương tâm về một bé gái bị bỏng rất nặng 60% cơ thể, độ sâu 3 khiến dân mạng không cầm được nước mắt.
Theo đó, vào hồi khoảng 18h30, mẹ bé gái Chu thị Quỳnh Trang (3 tuổi, quê ở Định Hoá, Thái Nguyên, trọ ở Văn Lâm, Hưng Yên) trong lúc pha nước tắm cho con đã bất cẩn để bé Tr. ngã vào chậu nước nóng khiến bé bị bỏng nặng. Khi cởi quần áo cho bé, do không biết cách khiến vùng da bị bỏng trợt ra, tuột từng mảng gây nhiễm trùng.
Bé Trang nhanh chóng được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu sau đó chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia vì tình trạng quá nặng. Nhìn lớp da của con đỏ bừng, lột dần từng mảng, người mẹ đã không thể cầm lòng, thi thoảng lại khóc nấc lên. Chị xót con, lại hối hận vô cùng khi chỉ vì một phút bất cẩn mà gây ra tai nạn đau khổ cho con gái nhỏ, ảnh hưởng đến cả tương lai về sau.
Chị Hồ Thị Phượng (25 tuổi) là mẹ của Trang xót xa kể lại: “Sự việc xảy ra vào chiều tối ngày 20/11. Hôm đó, tưởng con lên chơi với chủ trọ nên tôi đổ nước sôi vào chậu để tắm nhưng chưa kịp pha, chồng tôi lúc đó mệt nên cũng không để ý, chưa kịp pha nước lạnh thì con bé chạy vào ôm chân mẹ rồi tuột ngã vào chậu nước đó. Lỗi là tại tôi, do tôi bất cẩn mà con ra nông nỗi này…”.
Theo anh Nguyễn Hùng Sơn, người chia sẻ hình ảnh, đồng thời đang là bác sĩ đang giúp đỡ điều trị cho biết: Bé Trang bị bỏng gần như toàn thân với diện tích 60% cơ thể, độ sâu 2, 3.
“Tất cả các lớp da của con khi lột áo đã bị tuột hết. Con được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Vì bị bỏng nặng nên lẽ ra con phải được chuyển lên viện bỏng quốc gia điều trị, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn lại không kịp mang theo tiền trong người nên con được một người giới thiệu đến mình giúp đỡ”.
Anh Chu Tường Tam (30 tuổi bố bé Trang ) ngậm ngùi cho biết, vợ chồng anh kết hôn năm 2011 (ông bà ngoại đã chia tay). Đồng thời, hoàn cảnh gia đình anh Tam cũng rất khó khăn: Ông nội bé Trang đã mất, bà nội làm nông nghiệp và gia đình cũng đông anh em nhưng đều khó khăn nên không thể giúp đỡ được gì.
Khi Trang được 1 tuổi thì vợ chồng trẻ dắt díu nhau xuống Hưng Yên làm thuê. Chị Phượng cho biết: “Chồng tôi làm công nhân tại một nhà máy sản xuất bao bì với lương tháng 4 – 5 triệu, tôi cũng làm công nhân nhưng hay phải trông con nhỏ nên người ta cứ nhận rồi lại cho nghỉ. Tôi mới xin vào chỗ làm mới được 4 ngày thì con gái xảy ra chuyện thế này. Giờ thế này nên chồng cũng đã phải xin nghỉ việc để chăm con…”.
Ngay sau khi thông tin về trường hợp cháu Chu Thị Quỳnh Trang được đăng tải lên mạng xã hội nhờ giúp đỡ, đã có rất nhiều người ngỏ ý giúp đỡ kèm theo đó là những lời động viên chia sẻ và xót thương cho hoàn cảnh cháu bé mong cháu sớm bình phục.
Qua những sự cố đáng tiếc khiến bé bị bỏng, bố mẹ cần lưu ý những khuyến nghị khi tắm cho bé để giữ cho con mình được an toàn. Trong trường hợp nhà không có bình nóng lạnh, bắt buộc phải đun nước nóng pha vào chậu thì không được để trẻ một mình hoặc ở gần chậu nước nóng, luôn phải có sự trông chừng của người lớn.
Với trường hợp tắm cho bé bằng vòi hoa sen:
– Thử nhiệt độ nước bằng tay hoặc nhiệt kế (nhiệt độ tắm thích hợp cho trẻ là từ 37-38 độ C) trước khi xịt trực tiếp vòi hoa sen vào bé.
– Không để trẻ một mình hoặc không để anh/chị của bé trông bé trong phòng tắm. Trẻ con rất hiếu động và có thể vặn vòi nước sang chế độ nóng gây bỏng.
– Luôn để vòi nước ở chế độ lạnh trước khi pha nước nóng.
– Giữ cửa phòng tắm luôn đóng khi không sử dụng.
Hướng dẫn các bước sơ cứu trẻ khi bị bỏng nước nóng
– Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước mát và sạch cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương.
– Tuyệt đối không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.
– Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.
– Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.
– Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.