Một người con có hiếu đã khiến nhiều người xúc động bằng cử chỉ thật đơn giản tại một quán ăn bình dân, câu chuyện đầy ý nghĩa cho những ai muốn đền đáp đúng nghĩa ơn sinh thành.
Phật dạy:
“Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu
Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu”.
(Kinh Nhẫn Nhục)
“Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sanh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển”.
Hiếu kính cha mẹ là một truyền thống rất tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam chúng ta. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến ngày nay. Nhiều ca dao tục ngữ phản ảnh sinh động truyền thống đó:
“Trải bao gian khổ không sờn
Muôn đời con vẫn nhớ ơn mẹ hiền.”
Đạo làm con có hiếu vốn đã thành truyền thống từ xa xưa để lại. Nhưng thời nay chữ hiếu có nhiều cách hiểu. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần cung phụng tiền bạc cho cha mẹ thế đã là báo hiếu lắm rồi, nhưng họ sẽ nghĩ lại khi đọc câu chuyện dưới đây.
Có hai cha con bước vào một quán cơm tối. Người con trai luôn từ tốn nhẹ nhàng dẫn dắt cha vào bàn ngồi để dùng bữa. Cha của anh thoạt nhìn ai cũng thấy đã cao tuổi, ước cũng độ 80 rồi. Vì tuổi cao và có vẻ không được khỏe lắm nên ông đi lại khó khăn, nhưng ông vẫn có thể di chuyển chậm rãi nhờ cái “nạng sống” là bờ vai và cánh tay rắn chắc của con trai.
Khách ở quán cơm đều quay ra nhìn hai cha con ra chừng lạ lẫm lắm. Đơn giản là bởi những người ngồi trong quán đều ăn mặc lịch sự, thanh niên, trung niên nhưng không hề có cụ già yếu ớt ăn mặc quá “bình dân” như vậy.
Cơm dọn ra nhưng người con chưa thể ăn ngay. Anh còn giúp cha xúc đồ ăn, nhìn cũng không khác mấy cho trẻ em ăn dặm. Do tay chân còn yếu nên cha anh bị văng không ít thức ăn ra người. Thực khách trong quán đều tỏ vẻ ái ngại cho người con, một số còn tỏ rõ thái độ không hài lòng vì thấy “ghê quá”.
Tuy nhiên người con vẫn nhẫn nại giúp cha ăn xong bữa tối. Rồi anh dìu cha vào nhà vệ sinh để lau rửa. Mất một lúc khá lâu hai người mới ra khỏi nhà vệ sinh. Khi người con trai tính tiền và chuẩn bị dìu cha bước ra khỏi quán, bỗng chủ quán cất tiếng nói: Xin khách đừng đi vội, anh để quên một thứ ở quán chúng tôi.
Anh con trai nghe vậy bèn dừng bước, tay vẫn thận trọng đỡ cha già và hỏi: “Chúng tôi để quên đồ gì ạ? Không quên gì đâu”.
Chủ quán bèn đáp lời: “Anh để quên lời khen ngợi mà chúng tôi dành tặng cho tấm lòng hiếu thảo của anh. Tất cả những ai ngồi đây đều cảm thấy hổ thẹn vì không bằng 1 góc của anh trong cách đối xử với người sinh ra mình. Xin cho chúng tôi có lời cảm ơn anh vì đã giúp chúng tôi hiểu thế nào là hiếu nghĩa”.
Những gì người con trai vừa thể hiện ở quán cơm không quá to tát, chỉ đơn giản là sự chăm sóc ân cần và nhẫn nại đối với cha già. Anh không ngại ngần dắt cha ra ngoài ăn tối và đi dạo cùng mình, không ngại cha “vướng chân” mình để còn rảnh rang tám chuyện với bạn bè, đối tác. Người già chỉ cần thế là đủ-sự quan tâm xuất phát từ tình yêu thương chân thành của con cái đối với họ. Nếu muốn báo hiếu cho cha mẹ thì hãy cư xử như vậy, còn những món quà đắt tiền hay khoản viện trợ hậu hĩnh đối với họ mà thiếu đi sự quan tâm chân thành như câu chuyện trên thì cũng trở thành vô nghĩa.