Sốt phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn. Hầu hết trẻ em đều có ít nhất 1 lần mắc bệnh này, bệnh được biểu hiện bằng sốt và nổi nhiều chấm đỏ rải rác toàn thân (phát ban).
Trẻ bị sốt phát ban cần được uống nước nhiều hơn bình thường. Một trẻ có thể bị sốt phát ban ít nhất là một lần, thậm chí nhiều lần tùy theo tình trạng sức khỏe và nguyên nhân gây bệnh. Hầu hết những nguyên nhân gây sốt phát ban cho trẻ là những virus lành tính, nếu được chăm sóc tốt bệnh có thể tự lành sau 5 - 7 ngày.
Dấu hiệu
Bé xuất hiện những nốt phát ban màu hồng, bắt đầu từ mặt và lan xuống khắp thân, cánh tay và chân bé.
Bé có dấu hiệu sốt cao, đau họng, chảy nước mũi…
Nguyên nhân
Sốt phát ban là bệnh rất dễ lây nhiễm, nhất là trong môi trường có tính tập thể như nhà trẻ, trường học, trường mẫu giáo vì bệnh lây chính yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi làm văng những giọt nước li ti, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.
Sốt phát ban hầu hết là do nhiễm vi rút (70 - 80%), trong đó virút đường hô hấp luôn chiếm đa số bao gồm virút sởi, virus gây bệnh rubella, adeno virút, echo virút, nhóm enterovirus…Đây chính là lý do tại sao trẻ có thể bị sốt phát ban nhiều lần. Sốt phát ban do virus sởi và virus gây bệnh rubella là 2 nguyên nhân thường gặp. Bệnh sởi còn gọi là ban đỏ, bệnh rubella gọi là ban đào.
Nếu phát ban do sởi, bé thường có dấu hiệu: Sốt cao kèm theo ho, chảy nước mũi. Nếu do Rubella gây ra, bé thường bị sốt nhẹ hoặc không sốt mà kèm theo tiêu chảy hoặc đi tiêu phân lỏng.
Sốt phát ban có nguy hiểm không?
Ban đỏ hay sởi chỉ nguy hiểm khi có biến chứng, các biến chứng thường gặp của sởi là viêm phổi, viêm tai giữa, kiết lỵ và nặng hơn là viêm não.Ban đào hay rubella thì rất lành tính ở trẻ em, rất hiếm gặp biến chứng. Tuy nhiên nếu phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu mắc bệnh ban đào sẽ ảnh hưởng đến thai nhi gây sẩy thai, sanh non, thai nhi sanh ra mắc nhiều tật ở mắt, tim, não.