Trả lời báo chí, ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, khẳng định: “Không có chuyện “thả cửa” cho nông sản Trung Quốc!”. Để chứng minh cho điều này, ông dẫn ra một loạt “nguyên tắc” mà những doanh nghiệp nhập khẩu nông sản (bao gồm các loại thịt, rau, củ, quả) từ Trung Quốc phải tuân thủ. Nhưng chủ yếu là “khai báo” và “kiểm tra sơ bộ” bởi cán bộ kiểm dịch để làm thủ tục thông quan. Kết quả là chỉ phát hiện một tỷ lệ nhỏ sản phẩm có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nhưng cơ bản “trong giới hạn cho phép” (?).
Nói chung, quy trình kiểm tra đối với nông sản–thực phẩm xuất xứ Trung Quốc không khác gì so với hàng nhập khẩu từ các nước khác. Thậm chí, trong thực tế còn có phần “dễ dãi” hơn.
Trong khi đó, một số chuyên gia nông nghiệp và xuất nhập khẩu cho rằng, việc kiểm soát nông sản–thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc mới chỉ thực hiện ở các cửa khẩu lớn, trong khi có tới khoảng 70% loại hàng này nhập tiểu ngạch, đi qua các đường khác, bao gồm cả nhập lậu. Vì thế mà TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, có tới 70% nông sản Trung Quốc vào Việt Nam không kiểm soát được!
Một số người từng tham gia kinh doanh hàng Trung Quốc cho biết: Thực tế, Trung Quốc có những công nghệ sản xuất nông sản rất “đặc biệt”, trong đó có những phương pháp “kích thích tăng trưởng” khiến nhiều loại rau, củ, quả phát triển với tốc độ “siêu nhanh”.
Công nghệ sản xuất các loại thịt cũng vậy – sử dụng rất nhiều loại hóa chất độc hại đối với con người để tạo ra sản lượng lớn, giá thành “siêu rẻ”. Đó chính là những loại thực phẩm bẩn rất đáng sợ! Vì thế, nếu áp dụng quy trình kiểm soát giống như đối với các sản phẩm nhập từ Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì không phát hiện ra “vấn đề bất thường” nào, là hoàn toàn có thể. Nhưng khi sử dụng thì những chất độc hại mới phát tác, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, thời gian gần đây có rất nhiều mặt hàng sản xuất ở Trung Quốc nhưng lại có bao bì in nhãn bằng tiếng Việt, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn, tưởng là hàng sản xuất trong nước. Nguy hại hơn, nhiều sản phẩm Trung Quốc sau khi được nhập khẩu lại được đựng trong những thùng, hộp, bao bì ghi xuất xứ Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan… và kể cả “Made in Vietnam”(!) không chỉ đánh lừa người tiêu dùng trong nước, mà còn cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trong nước. Ưu thế giá rẻ, bao bì bắt mắt của hàng Trung Quốc, bằng cách “đội lốt” hàng Việt, đã góp phần không nhỏ vào việc “triệt hạ” các nhà sản xuất trong nước.
Việc “đội lốt” này được thực hiện rất “bài bản” và tinh vi, thậm chí nhiều loại hàng còn có cả hồ sơ nhập khẩu hợp lệ từ các nước khác, được bày bán rộng rãi ở nhiều chợ, siêu thị…
Đây là tình trạng rất phổ biến, nhưng thời gian qua, cơ quan chức năng mới chỉ phát hiện vài vụ nhỏ lẻ, biện pháp xử phạt cũng rất “nhẹ nhàng”, khiến cả nhà sản xuất trong nước cũng như người tiêu dùng bức xúc.
Ngay cả với những loại nông sản-thực phẩm Trung Quốc đã qua kiểm tra, kiểm soát, thì nhiều người tiêu dùng vẫn không an tâm. Thực tế, đã có những lô khoai tây khối lượng rất lớn đưa lên Đà Lạt để chuẩn bị “hóa kiếp” thành hàng Đà Lạt, bị cơ quan chức năng địa phương phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Tại sao những lô hàng “khủng” như vậy lại có thể vượt chặng đường dài hàng nghìn km từ biên giới phía Bắc vào tới Đà Lạt một cách “suôn sẻ” như vậy?
Một dấu hỏi lớn nữa mà nhiều người tiêu dùng đặt ra, đó là cơ quan chức năng mới chỉ kiểm tra về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng lại chưa thấy đề cập tới dư lượng thuốc bảo quản – trong khi nhiều người đặt hoài nghi rất lớn vào mức độ độc hại của các loại chất bảo quản mà các nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng rất phổ biến. Những trái táo để hơn nửa năm vẫn tươi nguyên, những loại nấm để cả tháng chưa hư hỏng (trong khi nấm sản xuất trong nước chỉ để được tối đa 3 ngày) là minh chứng cho điều này.
Thời kinh tế mở cửa, việc giao lưu kinh tế, phát triển xuất nhập khẩu là điều tất yếu. Nhưng cho nhập những sản phẩm gây hại cho sức khỏe người dân, phá hoại nền sản xuất trong nước, là điều cần phải hạn chế đến mức tối đa.
Vẫn biết việc kinh doanh hàng Trung Quốc mang lại lợi nhuận rất lớn. Nhưng mối hại cho cộng đồng còn lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận ấy. Đó là điều rất đáng phải suy nghĩ và cân nhắc cẩn trọng!