Vị hoạn quan cuối cùng của Trung Quốc từng bị hành hạ trong nghèo đói khi còn trẻ, bị trừng trị trong cách mạng Văn hóa bởi là “nô lệ của hoàng đế”, nhưng cuối cùng cũng được tôn trọng và thừa nhận, trở thành một tàn tích đặc biệt, một phần sống của lịch sử Trung Hoa.
Ông mang trong mình những câu chuyện về các nghi thức tàn khốc trong Tử Cấm Thành, về những giây phút cuối cùng của hoàng đế Phổ Nghi trong cung, về phiên tòa do người Nhật tổ chức những năm 1930. Từ khi rời cung, cuộc đời Tôn lọt thỏm trong cuộc chiến tranh, rồi trở thành một quan chức, sau đó lại bị đấu tố bởi những người cực tả, cuối đời mới được yên thân.
Đường đời gian truân của Tôn được ghi lại trong “Thái giám cuối cùng của Trung Quốc”, do sử gia không chuyên Jia Yinghua thực hiện. Jia đã nhiều năm làm bạn với Tôn và nhớ đó biết được những bí mật đau đớn và thầm kín của Tôn – những điều quá khó để kể cho các nhà báo hay sử gia chính thức.
Mãi cho đến cuối đời Tôn mới được thừa nhận rằng ông chính là một phần còn sống động của lịch sử Trung Hoa. Cuốn tiểu sử, viết dựa trên hàng trăm giờ kể chuyện của Tôn trước khi ông qua đời năm 1996, mới đây đã được dịch sang tiếng Anh. Cuốn sách ra mắt trong dịp một nhà bảo tàng dành cho thái giám – xây dựng quanh mộ của một hoạn quan thế kỷ 16 – đang được trùng tu mở rộng. Tòa nhà dự kiến mở cửa trở lại vào tháng 5 này.
Bi kịch của thân phận thái giám Thanh triều
Nói đến đây, hẳn nhiều người sẽ nhớ đến một bộ phim “Viên thái giám cuối cùng của Trung Quốc” do diễn viên Hong Kong Max Mok thủ vai chính.
Bộ phim đã phản ánh chân thực một thực tế đau đớn đối với các thái giám Thanh triều.
Khi họ chấp nhận “tịnh thân” để trở thành thái giám trong cung, “của quý” của họ sẽ được cắt bỏ. Tất cả đều được bỏ riêng vào từng ống tre, treo trong một căn phòng trong hoàng cung.
Khi các thái giám gần đất xa trời, họ sẽ lấy “của quý” của mình xuống, đặt vào trong quan tài để người được chết toàn thây, những mong kiếp sau được đầu thai.
Khi Thanh triều diệt vong, các thái giám hầu như ít ai màng đến tiền bạc, của cải. Chẳng ai bảo ai, họ đều vội vã chạy đến căn phòng nói trên để tìm kiếm “báu vật” của đời mình.
Những thước phim tái hiện lịch sử cho thấy, trong lúc bấn loạn, các thái giám thậm chí còn chẳng quan tâm đến việc liệu “nó” có phải là của mình hay không, miễn là lấy cho được để sau này khi chết, thi thể được toàn vẹn.
Nếu không lấy lại được “của quý”, điều đó đồng nghĩa với việc các thái giám sẽ chẳng bao giờ thành “ông” và cũng không thể mong kiếp sau được đầu thai.
Trong phim “Viên thái giám cuối cùng của Trung Quốc”, Max Mok cũng cướp được một “báu vật” cho mình.
Tuy nhiên về sau, một thái giám khác vốn đối xử với ông ta rất tốt đến lúc chết vẫn không có cái cần đem theo. Trong tình huống đó, viên thái giám đành chấp nhận tặng cho người “đồng nghiệp” quá cố “của quý” của mình.
Câu chuyện trên đã khiến người đời không khỏi xót xa, rơi lệ trước cảm cảnh của thân phận thái giám nói chung, chứ chưa nói đến những thái giám phải sống trong triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc.
Sau khi Thanh triều diệt vong, các thái giám trở nên lạc lõng giữa dòng đời. Họ là những người đàn ông nhưng không thể đầu đội trời, chân đạp đất, chẳng ai muốn thuê mướn nên cơm cũng chẳng có ăn.
Vì là một người đặc biệt, sinh lý khác người, nên họ cũng chẳng thể có được một gia đình cho riêng mình.