Liên quan đến sự cố y khoa tại bệnh viện đa khoa Trí Đức (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khiến 2 bệnh nhân tử vong sáng 25/12. Theo một lãnh đạo của Sở Y tế Hà Nội, đơn vị đã triệu tập công ty nhập khẩu và phân phối các loại thuốc Atropine 0.25mg, Midazolam 5mg, Solume/drol 40mg, (tiền mê),100mg Diprivan và 30mg Esmeron. Đây là các loại thuốc gây mê đã được Bệnh viện Trí Đức tiêm vào các bệnh nhân Hoàng Văn T. và Quách Thị Mai P.
Số thuốc này được kho thuốc khoa Dược nằm trong nhà thuốc bệnh viện Trí Đức thu mua để sử dụng. Nhà thuốc bệnh viện Trí Đức đã được Sở y tế thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc số 03-02769/HNO- ĐKKDD do bà Định Thị Hằng – Trường khoa dược, phụ trách chuyên môn nhà thuốc.
Theo VTC news, gia đình nạn nhân cho biết, anh T. đi khám tại bệnh viện Trí Đức vào ngày 24/12 và bác sĩ chẩn đoán là viêm tuyến giáp và cắt a-mi-đan.
Ngày 25/11, anh T. được thực hiện phẫu thuật, tuy nhiên, sau khi bác sỹ tiêm thuốc gây mê thì anh T. bất tỉnh, các bác sỹ tại bệnh viện Trí Đức đã đưa anh T. sang bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu, tuy nhiên anh T. đã không thể qua khỏi.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan công an đã làm việc với lãnh đạo bệnh viện Trí Đức, niêm phong hồ sơ bệnh án để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhân Hoàng Văn T.
Được biết, 2 bệnh nhân do 2 kíp mổ khác nhau thực hiện, mỗi kíp 5 người gồm 1 bác sĩ mổ, 1 bác sĩ gây mê, 1 kĩ thuật viên gây mê, 2 dụng cụ viên.
Trước vụ việc trên, Sở Y tế đã tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật tại bệnh viện đa khoa Trí Đức và 10 cán bộ nói trên để phục vụ công tác điều tra.
Trưa 26/12, Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y Tế Hà Nội, 2 ca phẫu thuật được thực hiện gần như song song, tại 2 phòng mổ, với 2 kíp mổ khác nhau. Vì vậy, không có chuyện ca mổ trước xảy ra tai biến, ca sau mới bắt đầu. Qua đánh giá ban đầu của các bác sĩ tại BV Đa khoa Trí Đức, các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu thuộc Bệnh viện Bạch Mai – là những bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân trong vòng 2 tiếng đồng hồ – nhìn nhận bệnh nhân tử vong, với chẩn đoán ban đầu, là sốc phản vệ với cùng triệu chứng: Huyết áp tụt, vã mồ hôi, ngừng tim…
Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và niêm phong, bảo quản tất cả các thuốc đã dùng cho bệnh nhân, bao gồm: Diprivan 1% 200mg/20ml, Esmeron 50mg/5ml, Atropin Sunfat 0.25mg/ml, Solu Medrol 40mg/1ml, Midanium (Midazolam 5mg/ml).
Bà Hà cho biết thêm, đoàn kiểm tra chuyên môn đã kiểm tra điều kiện bảo quản thuốc tại BV Trí Đức. Số thuốc gây mê được bảo quản phù hợp nhiệt độ, độ ẩm của thuốc.
“Báo cáo của lãnh đạo BV đa khoa Trí Đức cho biết, lô thuốc sử dụng cho 2 bệnh nhân này đã được sử dụng cho những bệnh nhân khác và không xảy ra tai biến. 2 bệnh nhân sử dụng thuốc giống nhau, chỉ khác liều lượng do khác nhau cân nặng”, bà Hà nói.
Theo bà Hà, các loại thuốc trên nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, có hóa đơn chứng từ. Loại thuốc sử dụng gây mê cho 2 bệnh nhân là thuốc thông thường, được sử dụng tiền mê phổ biến tại tất cả các bệnh viện.
Các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng điều tra, làm rõ sự việc. Hồ sơ bệnh án cùng những vật chứng liên quan đã được cơ quan công an thu giữ.
Sáng cùng ngày 26-12, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và xử lý kịp thời theo đúng quy định hiện hành sau sự việc có 2 bệnh nhân tử vong tại bệnh viện ngay sau tiến hành tiền mê để phẫu thuật.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan để xác định nguyên nhân dẫn tới tử vong của 2 bệnh nhân và kịp thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình người bệnh tử vong. Đặc biệt, đơn vị trên cần báo cáo chi tiết về diễn biến quá trình xác định nguyên nhân tử vong, giải quyết vụ việc tử vong của 2 người bệnh trên.
Liên quan đến vụ việc này, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế Hà Nội tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phẫu thuật.