Khoảng tháng 6, tháng 7/2016, một số tờ báo đưa tin người tiêu dùng nhiều nơi đã tẩy chay thực phẩm, trái cây xuất xứ Trung Quốc, thay vào đó là tìm mua các sản phẩm sản xuất trong nước, nhất là sản phẩm hữu cơ, có độ an toàn cao hơn.
Đó thực sự là một thông tin “lạ” vào thời điểm ấy, bởi trước đó, việc sử dụng nhiều loại thực phẩm, trái cây nhập từ Trung Quốc với đa số người tiêu dùng là “điều đương nhiên”, vì thị trường ngập tràn sản phẩm Trung Quốc, trong khi hàng nội địa thì hoàn toàn lép vế.
Chỉ một vài tháng sau, thông tin về việc bắt giữ, xử phạt các hành vi sử dụng hóa chất độc hại trong chăn nuôi, sản xuất và chế biến thực phẩm trở thành “đề tài nóng” trong dư luận xã hội. Cùng với đó, các đầu mối phát tán hóa chất độc hại, nhất là khu chợ Kim Biên ở TPHCM, được đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng. “Đường đi” của các loại hóa chất nói trên dần được xác định và kiềm tỏa. Vấn đề di dời chợ Kim Biên, thành lập khu chợ hóa chất tập trung để quản lý được đặt ra.
Cùng lúc, hệ thống truyền thông đã liên tục đăng tải các thông tin nhằm hướng dẫn, định hướng người tiêu dùng trong việc nhận biết các loại thực phẩm có chứa hóa chất, chỉ rõ những mối nguy hại khôn lường của nó đến từng người dân. Nhờ đó, ý thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng cao đáng kể.
Những chuyển biến thể hiện rõ nhất là trên thị trường. Nhiều năm trước, đã từng có không ít doanh nghiệp, cá nhân dự định tổ chức sản xuất, kinh doanh một số loại thực phẩm sạch, như rau sạch, thịt sạch, trái cây sạch… nhưng phần lớn đều thất bại do khó tiếp cận thị trường, chủ yếu bởi giá sản phẩm đắt hơn so với sản phẩm “thông thường”. Thế nhưng, từ khoảng giữa năm 2016, khi nhiều người tiêu dùng có ý thức tìm kiếm sản phẩm sạch để sử dụng, thì các nhà sản xuất thực phẩm sạch cũng có cơ hội phát triển. Rất nhanh chóng, hàng loạt mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín được hình thành như “Từ trang trại đến bàn ăn”, công thức “3F” của C.P, Vissan, GreenFeed, Anco… đã đi vào đời sống mỗi người dân.
Việt Nam với hơn 20 triệu dân đô thị, trong đó tầng lớp trung lưu và gia đình có trẻ nhỏ đang tăng mạnh cùng với thói quen tiêu dùng hiện đại thì thị trường thực phẩm sạch đang rất có sức hấp dẫn.
Muốn ăn thực phẩm sạch thì người Việt phải biết làm thực phẩm sạch – đó là nguyên lý mà các nhà sản xuất Việt Nam luôn quán triệt vào thời điểm này. Ai cũng biết, sản xuất thực phẩm sạch sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất cao. Nhưng để thực hiện được một chuỗi sản xuất như thế, yếu tố đầu tiên là vốn, quy mô đầu tư phải lớn. Bênh cạnh đó, sự am hiểu và có khả năng bao quát, thâm nhập đa ngành… Đó là một lộ trình khá dài và đầy gian khó.
Trong bối cảnh đó, việc nhiều “đại gia” trong các lĩnh vực bất động sản, công nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính… cùng dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, dường như là một lời giải đúng cho bài toán nan giải. Ông Trần Bá Dương, ông chủ của ô tô Trường Hải, đơn vị đứng số 1 trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2016, vừa chính thức cam kết làm lúa sạch bằng công nghệ cao, bắt đầu bằng việc cho ra đời một dây chuyền sơ chế lúa gạo sau thu hoạch hiện đại bậc nhất.
“Người nông dân thì lấy đâu ra số vốn khổng lồ để đầu tư? Họ cũng không có kinh nghiệm quản trị công nghiệp. Thế thì chúng ta, những doanh nghiệp lớn phải dấn thân vào đây, đóng góp sức mình cho xã hội”, ông Dương bày tỏ tâm huyết của mình.
Doanh nhân Vũ Văn Tiền, người từ trước đến nay chỉ đầu tư kinh doanh tài chính ngân hàng, bất động sản, xi măng, nhiệt điện, giấy, thương mại, cảng biển, công nghệ, giao thông…, cũng bước chân vào nông nghiệp sạch. Thậm chí, ông còn cảnh báo: “Nếu chúng ta không làm nông nghiệp sạch ngay bây giờ, 5-10 năm nữa chúng ta sẽ chết hết vì đại dịch ung thư”.
Với cách làm khác, FPT quyết định bán sữa Vinamilk trong nhiều cửa hàng của mình. Rõ ràng máy tính và sữa sạch không liên quan nhiều với nhau, nhưng động thái của FPT lại cho thấy sự nhiệt thành của những chuyên gia công nghệ đối vói “giấc mơ” thực phẩm sạch là nóng bỏng đến nhường nào! Tương tự, doanh nhân Nguyễn Đức Tài, CEO của Thế giới di động, cũng đã tuyên bố sẽ bày bán thực phẩm sạch bên cạnh điện máy!
Nhưng, đáng kể nhất vẫn là Vingroup – “đại gia” đi tiên phong trong việc sản xuất rau sạch, gạo sạch. Điều đặc biệt ở chỗ, dù giá thành làm rau an toàn rất cao nhưng ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup vẫn quyết định: Giá bán rau an toàn VinEco chỉ tương đương với giá rau trôi nổi trên thị trường! Bởi giai đoạn này, Vingroup chưa tính chuyện có lãi vì thực phẩm sạch là thứ mà Vingroup muốn đóng góp thực sự cho sức khỏe người Việt. Đó là lý do khiến Vingroup chi 300 tỉ đồng để hỗ trợ, kết nối 1.000 hợp tác xã làm rau sạch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh 3 lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam hiện tại và tương lai, là: Nông nghiệp sạch – công nghệ cao; du lịch và công nghệ thông tin. Với những gì đang diễn ra hiện nay, giới chuyên gia và không ít người dân có quyền tin tưởng rằng, trong tương lai Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những mô hình tương tự “thung lũng silicon” trong nông nghiệp. Đó cũng chính là cơ sở để có thể tin tưởng rằng, hơn 90 triệu người Việt đều sẽ được dùng thực phẩm sạch, trong một tương lai không xa.