Bí quyết gói bánh chưng bằng tay không cần khuôn ngày Tết
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu được trong những ngày Tết của người Việt Nam. Tuy nhiên, để gói được bánh chưng ngon, chặt, lâu bị hỏng đòi hỏi sự kỳ công trong phần chọn nguyên liệu, cách gói cũng như cách luộc làm sao cho thời gian hợp lý đảm bảo bánh dẻo, giữ được lâu, thơm ngon.
Các nguyên liệu cần thiết để gói bánh chưng
– Gạo nếp cái hoa vàng ( chúng ta chú ý chọn những hạt gạo to đều, thơm mới để cách làm bánh Chưng truyền thống dẻo thơm nhất nhé).
– Đỗ xanh làm nhân ( chọn loại đỗ mới, vàng, bở, mẩy hạt).
– Thịt ba chỉ ( có phần nạc, mỡ đều và dày, phần bì mỏng).
– Gia vị: muối, hạt tiêu.
– Lá dong gói bánh chưng ( chọn lá vừa không non và không già).
– Lạt buộc bằng sợi giang dẻo.
Sơ chế nguyên liệu để gói bánh chưng:
– Đỗ xanh ngâm nở trong vòng 2 tiếng, đãi sạch và nhặt bỏ những hạt xấu, cho 1 thìa muối vào xóc đều, sau đó cho vào nồi hấp để hấp chín.
Khi đỗ chín bở thì bạn dùng thìa tán cho thật nhuyễn, cho vào đỗ một chút hạt tiêu rồi nắm đậu thành những nắm tròn bằng nhau.
– Gạo ngâm khoảng 2 tiếng cho mềm rồi đãi lại gạo vài lần cho sạch và nhặt bỏ những hạt xấu, rồi xóc gạo với 1 thìa muối và 1 thìa hạt nêm.
– Lá dong mua về bạn rửa sạch rồi dùng khăn sạch lau khô, sau đó cần phần sống lá, bạn chú ý cắt cẩn thận để không làm rách lá.
– Thịt rửa sạch, thái miếng to bản rồi ướp thịt với muối, hạt tiêu.
Bí quyết gói bánh chưng bằng tay không cần khuôn ngày Tết
Bước 1: Đầu tiên, bạn xếp 4 lá vuông góc sao cho 2 lá dưới úp mặt phải xuống dưới để khi gói bánh, phần mặt phải sẽ nằm bên ngoài sẽ giúp bánh đẹp hơn, còn 2 lá trên ngửa mặt phải lên để khi bóc bánh, bánh sẽ không bị dính.
Bước 2: Cho 1 bát gạo nếp vào giữa lá dong.
Bước 3: Tiếp theo, lấy nửa phần nắm đỗ xanh nhấn nhẹ xuống rồi đặt miếng thịt vào giữa phần đỗ xanh rồi úp nửa phần đỗ xanh còn lại lên trên miếng thịt.
Nặn lại nhân sao cho phần đỗ xanh bao kín được hết miếng thịt.
Đăt phần nhân đã lên trên phần gạo.
Bước 4: Đổ thêm một lớp gạo lên trên phần nhân để gạo phủ kín nhân.
Bước 5: Dùng tay gấp lần lượt lá dong bên trái và bên phải vào cho thật chắc tay, phần lá dong thừa thì gập vào bên trong.
Sau đó, bóp mép hai bên phần đầu trên của bánh, rồi gấp nốt phần lá thừa ở bên trên lại cho thật vuông.
Bước 6: Để gói bánh chưng bạn cần chuẩn bị 4 chiếc lạt, 2 chiếc lạt đầu tiên thì buộc song song với nhau để giữ cho bánh chặt và không bị bung ra, 2 chiếc lạt sau buộc vuông góc với 2 lạt trước.
Khi buộc lạt xong thì bạn dùng tay ấn 4 phía của bánh để bánh chặt lại và có hình vuông.
Bước 7: Bước cuối cùng là luộc bánh chưng. Bạn cho bánh chưng vào nồi, xếp lần lượt bánh vào nồi rồi cho nước lã vào ngập toàn bộ phần bánh, để lửa to đến khi sôi thì bạn để lửa riu riu. Bánh chưng phải nấu trong khoảng từ 8-10 tiếng thì được, vớt bánh ra để cho nguội.
Một số lưu ý khi gói bánh chưng:
– Trong bước chọn nguyên liệu bạn cũng cần phải lưu ý là lá dong phải chọn loại lá bánh tẻ màu xanh, không bị rách; lạt giang cần dẻo để khi gói cuộn sẽ không bị gãy; Gạo nếp chọn loại gạo hạt to, tròn và thơm.
– Khi sơ chế nguyên liệu, phần gạo nếp bạn chỉ cần ngâm khoảng 2 tiếng, không nên ngâm lâu gạo sẽ bị chua, bánh chưng sẽ không để được lâu.
– Để bánh chưng nhìn đẹp thì khi gói bánh thì bạn chú ý gói cho chặt tay theo hình vuông.
– Khi luộc bánh, để tránh trường hợp bánh chưng bị cháy hoặc sống thì cứ khoảng 1 tiếng thì bạn cần kiểm tra mực nước, nếu thiếu nước cần dùng nước đun sôi để thêm vào.
Như vậy, chúng tôi đã hướng dẫn chi tiết cho các bạn cách gói bánh chưng rồi đó nhé! Để có được những chiếc bánh chưng ngon và hấp dẫn thì đòi hỏi bạn phải bỏ thời gian và công sức, dịp Tết cũng chính là thời gian rảnh rỗi để bạn bắt tay vào gói bánh chưng đem thắp hương trên mâm cỗ ngày Tết rồi. Chúc các bạn thành công khi gói bánh chưng nhé!