Năm 2016 thực sự là một năm đặc biệt, thế giới đầy biến động, còn trong nước thì đã diễn ra rất nhiều thay đổi nhằm mở đường cho cái mới phát triển, tạo cơ hội cho tinh thần khởi nghiệp và cho tư duy làm ăn chân chính cùng tiến bước.
Hàng loạt thông điệp mới mẻ và quyết liệt đã được phát đi từ các vị lãnh đạo đất nước, được coi là định hướng và những động lực mới để mỗi con người Việt Nam tìm lại sự tự tin và cảm hứng trong hành trình chung, vì tương lai của dân tộc.
Xin đơn cử một “câu chuyện nhỏ” từng làm dậy sóng dư luận trong năm qua. Đó là vụ “truyền thống bất lương” nhằm “vu oan giá họa” cho nước mắm truyền thống. Ai cũng biết, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện một vụ việc kiểu như vậy – tung thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng để trục lợi. Trước đây đã từng có không ít nạn nhân của kiểu “truyền thông bất lương” này, như nước tương truyền thống, mì gói, cà phê, một số thương hiệu nước giải khát nội địa… nhưng những lần ấy, “kẻ bất lương ẩn mặt” đều dành phần thắng. Chỉ lần này, những kẻ bất lương đã bị “lật mặt” một cách không thương tiếc, sắp tới sẽ phải trả giá cho hành vi ác tâm của mình.
Còn với những “chuyện lớn”, như cất nhắc, bổ nhiệm “người nhà” vào các vị trí “béo bở” nhằm thao túng cả một hệ thống, để dễ bề “vinh thân phì gia” trên mồ hôi nước mắt của người dân, đến giờ cũng đang dần bị bóc trần, bị phê phán trước toàn dân, bị “lột mũ tước đai”…
Không thể nói khác, đó chính là những điều mà bấy lâu người dân vẫn róng riết mong chờ, đến giờ mới được thực thi. Sự công bằng, nghiêm minh ấy chắc chắn sẽ tạo thêm niềm tin cho những người muốn dấn thân khởi nghiệp bằng con đường chân chính, bằng chính trí tuệ và đôi bàn tay của mình, chứ không phải bằng chiêu trò, thủ đoạn.
Đó chính là cơ sở để mọi người có thể hy vọng rằng, năm 2017 sẽ là lúc mà trí tuệ và bản lĩnh Việt có cơ hội cất cánh. Vấn đề còn lại là phải có những yếu tố thúc đẩy để Việt Nam có thể chuyển từ “thức dậy” sang “trỗi dậy”, có những động lực để biến ước muốn trở thành hiện thực. Bởi, giới chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, chỉ với đẩy mạnh hội nhập và thích ứng với đổi thay, dẫu là quan trọng, nhưng vẫn không đủ đưa đất nước đến một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.
Những năm qua, nhiều nước trong khu vực như Philippines, Campuchia, Lào, và Myanmar đã đạt mức tăng trưởng bình quân cao hơn hẳn Việt Nam. Điều này rất đáng phải trăn trở!
Điều đáng mừng là Việt Nam từ sau đại hội 12 tổ chức vào đầu năm 2016 đang có những chuyển động tạo nên luồng sinh khí mới cho nỗ lực cải cách, trong đó xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, và hành động được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc coi là ưu tiên chủ đạo. Vào những ngày này, nhiều người đang nói tới một khái niệm khá mới mẻ, đó là “Đổi mới 2”. Mặc dù cùng điểm chung là cần có sự quả cảm nhận ra sự bức thiết phải đổi thay và mạnh dạn thử nghiệm những mô hình phát triển mới, dựa trên lợi thế và sức mạnh dân tộc, nhưng “Đổi mới 2” sẽ là một bước tiến vượt bậc so với công cuộc Đổi mới bắt đầu vào đúng 30 năm trước. Đó là sự phát triển từ “trỗi dậy tư duy” lên thành “trỗi dậy về tầm nhìn”; từ “cởi trói về cơ chế” lên “kiến tạo nền tảng phát triển”, và không chỉ hội nhập và cần có ý chí đưa dân tộc lên một vị thế cao hơn trên bản đồ thế giới.
Rất nhiều điều đã được “xới xáo” và “gợi mở” trong năm 2016, tạo tiền đề cho những đổi mới mạnh mẽ, có thể bắt đầu ngay trong năm 2017 này.
Bước qua năm mới, chúng ta cùng chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt. Và cùng chúc đất nước tiến một bước dài đến phồn vinh, dân chủ và vững mạnh!