200g rau mầm dinh dưỡng = 1kg rau trưởng thành
Lo sợ rau ăn lá bị nhiễm các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, nhiều gia đình đã lựa chọn rau mầm cho bữa cơm gia đình. Không chỉ giúp các bà nội trợ cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng, rau mầm còn mang lại nguồn dinh dưỡng phong phú vượt trội.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: so với rau thông thường, rau mầm chứa nhiều hơn hẳn các loại vitamin thiết yếu như: vitamin C, B, E, amino axit, chất xơ… Cụ thể, mỗi bát mầm giá đậu xanh cung cấp 32 calories và 0,84g chất xơ, 21-28 % protein. Mầm củ cải lại có hàm lương vitamin C cao gấp 29 lần trong sữa, vitamin A cao gấp 4 lần và canxi cao gấp 10 lần khoai tây.
Mầm cải bó xôi ngoài giá trị dinh dưỡng còn có thêm công dụng kiểm soát lượng đường trong máu. Theo đó, nếu tiêu thụ 10g mầm bông cải xanh mỗi ngày trong 4 tuần thì mức insulin trong máu sẽ thấp hơn so với những người có bệnh mà không sử dụng. Ước tính trung bình, 200g rau mầm có giá trị dinh dưỡng tương đương 1 kg rau phát triển hoàn toàn.
Ảnh:
Với nhiều lợi ích có thể mang lại, rau mầm gần như là sự lựa chọn hoàn hảo cho nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thống kê mới đây của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) cho thấy: trong vòng 20 năm qua (từ 1996 – 2016) đã có khoảng 48 vụ ngộ độc rau mầm xảy ra trên nước Mỹ. So với rau ăn lá thông thường, con số này chiếm tỷ lệ ít hơn, tuy nhiên, điều này đã chứng minh: rau mầm hoàn toàn có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.
Cẩn trọng khi ăn sống
Tại sao rau mầm có thể gây độc? Đó có lẽ là câu hỏi của không ít người, bởi lẽ, xưa nay đa số vẫn cho rằng nó lành tính, nhất là với những loại rau được trồng tại gia đình.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định: Về bản chất, rau mầm hoàn toàn vô hại, tuy nhiên, do sử dụng và chế biến sai cách nên dẫn tới nhiều hệ lụy với sức khỏe.
Theo đó, nếu rau mầm được tưới bằng nguồn nước không sạch, dễ dẫn tới nhiễm khuẩn E.Coli gây tiêu chảy hay các bệnh về đường tiêu hóa. Ngoài ra, nếu giá thể (cát, xơ dừa, nước… để trồng rau mầm) không được làm sạch thường xuyên sẽ bị nhiễm nấm, mốc.
Bên cạnh đó, bảo quản rau mầm ở nơi ẩm thấp đương nhiên cũng sẽ khiến rau bị giảm dinh dưỡng, đồng thời bị vi khuẩn từ môi trường bên ngoài xâm lấn. Thậm chí, việc sử dụng rau mầm không đúng cách (chẳng hạn như ăn sống, rửa không sạch…) cũng là nguyên nhân gây bệnh cho người sử dụng.
Về câu hỏi: liệu có thể ngộ độc rau mầm do người trồng sử dụng thuốc kích thích, phân đạm để thu hoạch sớm hay không, PGS Thịnh cho rằng rất hiếm gặp bởi vì nếu sử dụng chất này, rau sẽ bị mềm, trông không tươi ngon nên khó bán.
Tương tự, tình trạng ngộ độc do các chất bảo quản để chống sâu, mọt cho hạt giống cũng khó xảy ra. Bởi vì, khi gieo hạt, cộng với việc tưới nước cho rau hàng ngày, các hóa chất này sẽ bị đào thải.
Cũng bởi những lý do trên, PGS Thịnh cho rằng: để không bị ngộ độc rau mầm, trước khi ăn, chúng ta phải rửa thật kỹ và tốt nhất là nên ăn chín. Trong trường hợp muốn trộn salad, cần ngâm nước muối loãng để loại bớt vi khuẩn xâm nhập. Điều quan trọng nữa là phải lựa chọn mua rau mầm ở các cơ sở có uy tín.
Với các gia đình trồng rau mầm, PGS Thịnh khuyến cáo nên sử dụng nước sạch để tưới. Sau mỗi lần gieo trồng, cần làm sạch giá thể bằng cách nhặt rễ cũ, phơi nắng… để diệt khuẩn. Cách tốt nhất là nên thay giá thể thường xuyên để hạn chế nấm mốc phát triển.