Vào ngày 23 tháng Chạp (Âm lịch), các gia đình thường làm cơm cúng, tiễn ông Táo chầu trời. Người Việt tin rằng vào ngày này, 3 vị Táo Quân sẽ cưỡi cá chép về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.
Năm nay, ngày ông Công, ông Táo vào rơi vào thứ 6, vì vậy nhiều người băn khoăn không biết có thể cúng trước đó một vài ngày hay không.
Theo TS. Trần Phương, giảng viên khoa Văn hóa và phát triển, Học việc Báo chí và Tuyên truyền, tùy điều kiện thời gian mà mỗi gia đình có thể chọn ngày, giờ cúng khác nhau. Các gia đình có thể cúng sớm từ 1 – 2 ngày nhưng không nên cúng muộn hơn 23h đêm ngày 23 tháng Chạp.
“Quan niệm dân gian cho rằng mỗi năm chỉ duy nhất một ngày Ngọc Hoàng nghe các Táo báo cáo. Táo quân nào lên thiên đình sớm hơn thì cũng phải đợi đến ngày thiết triều. Táo quân lên muộn thì đã bãi triều rồi nên không gia đình nào cúng sau ngày 23 tháng Chạp. Tục thờ ông Công, ông Táo là tín ngưỡng riêng trong mỗi gia đình. Vì vậy, nghi thức cúng chỉ làm trong phạm vì nhà mình, không cúng ở đền, chùa, đình, miếu… ”, TS Phương cho hay.
Mâm cỗ cúng ông Táo
TS Phương cho biết, theo truyền thống, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần quá cầu kỳ, tốn kém. Cỗ cũng có thể là những vật phẩm gắn liền với đời sống của gia đình, miễn sao đảm bảo thanh sạch.
Mâm cỗ cúng ông Công, Ông Táo bao gồm cả đồ mặn là xôi, thịt, giò và đồ chay gồm gạo, hoa quả, trầu cau.
Bên cạnh đặt 3 bộ mũ áo giấy, hai bộ của “Táo ông”, một bộ “Táo bà”.
Chuẩn bị “phương tiện” để Táo quân chầu trời là 3 con cá chép, có thể dùng cá giấy hoặc cá sống. Vì cá chép được coi là linh vật đưa Táo quân lên trời, nên khi cúng cần đặt chậu cá chép ngay phía dưới ban thờ, nơi cúng Táo quân
Sau khi thắp hương, gia chủ khấn vái, đợi hương tàn thì thắp thêm một tuần hương nữa rồi đem hóa vàng mã, cá chép giấy. Cúng cá chép sống thì đem thả phóng sinh ra sông, hồ… với quan niệm cá chép sẽ đưa các Táo lên chầu trời.
Bài khấn nôm ngày 23 tháng Chạp
Hôm nay là ngày… tháng… năm.
Tên tôi (hoặc con là)…, cùng toàn gia ở…
Kính lạy đức “Đông Trù tư mệnh Táo phủ Thần Quân:
(Có thể khấn thêm: Thổ địa Long Mạch Tôn Thần. Ngũ phương ngũ thổ Phúc Đức chính Thần)
Hàng năm gặp tiết hết năm, tháng vừa cuối Chạp. Gia đình sửa lễ bạc dâng lên. Cảm tạ phúc dày nhờ Thần phù hộ. Kính mong thần tâu bẩm giúp cho:
Bếp trong nếp sống rất hòa, ngoài mặt dám rằng cũng đẹp. Cảm thông xin tấu thực thà.
Cầu mong giúp đỡ lợi lạc. Người người lo ấm, cả nhà thêm tiếng tốt lẫy lừng. Việc việc thành công, một cửa ngút khí lành man mác. Muôn trông ơn đức vô cùng.
Cẩn cốc (vái 4 vái)
(Theo Nguyễn Thị Nhi – Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)
Văn khấn lễ ông Táo chầu trời
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân.
Tín chủ chúng con là: ………………………….
Ngụ tại: ……………………………………..
Nhân ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến tôn thần, đốt nến tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân giáng lâm trước án hưởng thụ lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự gia thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin tôn thần, gia ân châm trước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.