Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (còn gọi là ngày sóc), ngày rằm (còn gọi là ngày vọng), và các dịp lễ Tết khác trong một năm như: Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu, Tết Trùng thập…
Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên rất giản dị: tin rằng tổ tiên mình là thiêng liêng, họ đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu, họ phù hộ cho con cháu khi gặp tai ách, khó khăn; vui mừng khi con cháu gặp may mắn, khuyến khích cho con cháu khi gặp điều lành và cũng quở trách con cháu khi làm những điều tội lỗi…
Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, trong khi nhiều tôn giáo, tín ngưỡng dân gian khác đã phải chịu cảnh long đong, bị kết tội “mê tín dị đoan” nhưng tín ngưỡng thờ tổ tiên đã và vẫn chiếm được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Ý thức “con người có tổ, có tông” được bảo tồn trong cõi tâm linh và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, dù họ sống trên tổ quốc mình hay lưu vong nơi xứ người. Đặc biệt đây là hình thức tín ngưỡng được các thể chế chính trị (Nhà nước) từ xưa đến nay trân trọng thừa nhận, dù rằng với những mức độ khác nhau. Cùng với tiến trình lịch sử của dân tộc, nó là sự bồi lắng, kết tụ những giá trị đạo đức quý báu của con người Việt Nam.
Thắp hương
Việc thắp hương trên bàn thờ bao giờ cũng phải thắp theo số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9, 11,… mà tránh thắp số chẵn như 2, 4, 6, 8, 10,… Người ta quan niệm rằng, số lẻ là dương nên nó phù hợp hơn với tổ tiên(người dương thắp cho người âm). Loại hương thẳng gồm 2 phần: chân hương màu hồng đỏ, bụi hương thơm. Có một loại hương vòng bao gồm nhiều vòng hương, có buộc dây, được đặt trên que sắt trong bình hương. Khi thắp hương, người ta phải để hương sao cho thật thẳng, tránh để hương bị nghiêng, méo hay siêu đổ khiến đốm lửa giữa các nén hương không đều nhau, làm hương bị tắt lửa, hương tàn xuống có thể gây cháy những đồ lễ vật trên bàn thờ hoặc gây Hỏa hoạn.
Khi thắp hương, có thể trông coi khi cần thiết.
Cúng Tổ tiên
Người Việt thường cúng Gia tiên vào ngày Sóc – Vọng (Sóc là ngày Mồng Một, Vọng là ngày Rằm hàng tháng), lễ Tết, giỗ hoặc bất kỳ lúc nào cần được gia tiên phù hộ như: sinh con, đẻ cái, kết hôn, làm nhà, lập nghiệp, có trục trặc về sức khỏe. Đây là cách để thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn.
Bàn thờ người mới mất
Những người mới mất chưa được thờ chung với tổ tiên mà được lập một bàn thờ riêng tại gian thờ hoặc gian nhà ngang. Được bài trí tương đối sơ sài: một bát nhang, bài vị (hoặc ảnh), lọ hoa, chén nước, ngọn đèn… Trong vòng 100 ngày (tính từ ngày an táng xong), người ta đều thắp hương cơm canh trước khi gia đình ăn cơm, mời người mới mất thụ hưởng. Lúc này, linh hồn người chết còn quyến luyến người thân, “hồn vía còn nặng” chưa thể siêu thoát được, vẫn còn luẩn quẩn xung quanh nhà. Những người sống không muốn tin vào sự thật là họ vừa mới mất đi một người thân, làm vậy để dịu nỗi buồn. Nhưng có nơi chỉ cúng 49 ngày (tức lễ chung thất).
Sau 49 ngày, bát nhang người mới mất sẽ được rước lên bàn thờ tổ tiên. Sau lễ trừ phục (còn gọi là đàm tế) bàn thờ người mới mất sẽ được loại bỏ cùng những đồ thờ riêng, đưa ảnh chân dung và bát nhang lên bàn thờ tổ tiên, đặt hàng dưới. Trường hợp không có bàn thờ tổ tiên thì sẽ vẫn giữ lại như cũ, chỉ cần yết cáo tổ tiên lên bàn thờ tổ.