Ba ngày trước, vợ chồng anh Phan Văn Duy (trú xã Hồng Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đưa con nhỏ 4 ngày tuổi tới Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh điều trị trong tình trạng bỏ bú, khó thở.
Người nhà cho hay, vợ anh Duy hạ sinh bé trai. Sau khi sinh, vì thời tiết lạnh nên gia đình đốt than củi sưởi ấm cho bé trong phòng kín.
Sau khi sưởi ấm bằng than, cháu bé có biểu hiện nằm li bì, bỏ bú, khó thở và được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu.
Quá trình thăm khám, bác sĩ xác định cháu bé bị suy hô hấp nặng, mặc dù đã điều trị nhiều phương pháp song không qua khỏi.
Bác sĩ Hoàng Song Hào – Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh nhận định, bé trai bị nhiễm khí CO từ than củi dẫn tới tử vong.
Trước đó, ngày 25/1/2016, BVHNĐK Nghệ An cho biết, BV vừa tiếp nhận một ca ngộ độc khí, do đốt than sưởi. Khí độc sản sinh trong phòng kín khiến 1 cháu bé 18 tháng tuổi tử vong, 4 thành viên còn lại trong gia đình nguy kịch.
5 nạn nhân trong vụ ngộ độc than trú tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Các thành viên trong gia đình gồm: Nguyễn Thị Nga (20 tuổi), bà Nguyễn Thị Tiến (40 tuổi, mẹ ruột chị Nga), Đậu Thị Hạnh (17 tuổi, em chồng chị Nga) và 2 cháu bé: bé gái 18 tháng tuổi và bé trai 1 ngày tuổi con chị Nga.
Theo đó, vào tối 21/1/2016, chị Nguyễn Thị Nga (20 tuổi) vừa sinh con thứ 2 được 1 ngày tuổi, do thời tiết chuyển mùa quá lạnh nên bà ngoại đốt than củi để xông cho sản phụ cũng như sưởi ấm cả nhà.
Bà Nguyễn Thị Tiến đốt lửa trong diện tích phòng kín khoảng 15m2, lò than âm ỉ cháy suốt đêm đã khiến cả 5 thành viên ngủ trong phòng bị nhiễm độc, mê man, bất tỉnh.
Đến khoảng 5h30 phút sáng 22/1/2016, khi người nhà mở cửa phòng, phát hiện bà Tiến và em Hạnh đã rơi vào tình trạng khó thở, sùi bọt mép, cháu bé 18 tháng tuổi tím tái, nguy kịch, ngay lập tức, các bệnh nhân được chuyển cấp cứu vào thành phố Vinh.
Tuy nhiên, khi bé gái 18 tháng tuổi được chuyển đến Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An, tình trạng bé đã rơi vào mức nguy hiểm tính mạng, không thể cứu chữa. 2 bệnh nhân lớn tuổi được chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An.
Đến 8 giờ cùng ngày, sản phụ Nguyễn Thị Nga đang ở nhà (gia đình riêng) bắt đầu xuất hiện tình trạng ngày càng khó thở, tụt huyết áp. Ngay lập tức, chuyến xe cấp cứu thứ 2 vận chuyển bệnh nhân cùng con trai 1 ngày tuổi nhập viện cấp cứu cũng với triệu chứng do ngộ độc khí CO.
Những bệnh nhân lớn tuổi được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, bé trai 1 ngày tuổi được chuyển theo dõi toàn trạng tại Tổ sơ sinh, khoa sản bệnh viện.
“Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc tái, kém hồng, rối loạn ý thức, gọi hỏi không đáp ứng chính xác. Xét nghiệm khí máu cho thấy, các bệnh nhân đều có chỉ số Oxy trong máu thấp, nồng độ CO cao. Chúng tôi khẩn trương hỗ trợ hô hấp, cho bệnh nhân thở Oxy cao áp, truyền dịch.
Sau 3 ngày điều trị nhập viện điều trị, được các y bác sỹ nỗ lực cứu chữa, cả 4 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An sức khỏe tiến triển tốt hơn. Riêng bệnh nhân Nga cần theo dõi thêm tình trạng sức khỏe tại khoa Sản do vừa sinh con”, BS Phạm Xuân Kính – khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết.
Được biết, CO là chất khí không màu, không mùi, có khả năng khuếch tán mạnh, khi bị nhiễm độc, thường rất khó nhận biết. Khí này được tạo ra từ các sản phẩm cháy không hoàn toàn của các chất có chứa carbon.
Ngộ độc khí CO nếu phát hiện và điều trị muộn sẽ dẫn tới tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh. Những người như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi có nguy cơ ngộ độc khí này rất cao.