Mỗi ngày, bạn làm việc chăm chỉ và bỏ ra một số tiền tương đối để mua những thứ cần thiết, bạn phải chắc chắn đó là một khoản đầu tư hợp lý. Theo khoa học, chi tiêu trong một ngân sách giới hạn như vậy sẽ giúp bạn hạnh phúc.
Nghịch lý về sự sở hữu
Tiến sĩ Thomas Gilovich – giáo sư tâm lý đến từ Đại học Cornell trong một nghiên cứu kéo dài 20 năm đã đưa ra một kết luận rõ ràng và mạnh mẽ rằng: đừng tiêu xài quá nhiều tiền của bạn vào vật chất. Rắc rối đối với những tài sản hữu hình đó là cảm giác hạnh phúc mà chúng mang đến qua rất nhanh. Sau đây là 3 lý do cốt lõi để giải thích cho kết luận đó:
– Chúng ta sẽ quen với những sự sở hữu mới: Đồ mới sau khi khiến chúng ta cảm thấy hứng thú thì nó sẽ nhanh chóng trở thành đồ cũ.
– Chúng ta tiếp tục tăng tiêu chuẩn về chất lượng: Những hành động mua mới sẽ dẫn tới những kỳ vọng mới. Ngay khi đã quen với một thứ gì đó mới, chúng ta sẽ bắt đầu tìm kiếm cũng là thứ đó với chất lượng tốt hơn.
– Chúng ta rất dễ đua đòi: Về bản chất, tài sản sẽ tạo ra sự so sánh. Chúng ta mua một chiếc xe mới và cảm thấy phấn khích về nó cho tới khi một người bạn sở hữu một chiếc xe đẹp hơn. Luôn có một người khác sở hữu chiếc xe tốt hơn của bạn.
Gilovich nói “Một trong những kẻ thù của hạnh phúc đó chính là sự thích nghi. Chúng ta mua những thứ khiến mình hạnh phúc và chúng ta cảm thấy thành công. Nhưng cảm giác này chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Những thứ mới lạ đầu tiên sẽ khiến chúng ta hào hứng nhưng rồi chúng ta lại quen dần với nó và vòng tròn này cứ tiếp tục tiếp diễn”.
Nghịch lý về quyền sở hữu đó là chúng ta cho rằng hạnh phúc mà mình có được từ việc mua thứ gì đó sẽ kéo dài miễn là tài sản đó vẫn giữ nguyên bản chất là chính nó. Điều này dẫn tới việc đầu tư vào một tài sản mà chúng ta có thể nhìn, nghe và chạm vào về cơ bản sẽ tạo ra giá trị lớn nhất. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm.
Sức mạnh của trải nghiệm
Gilovich và những nhà nghiên cứu khác đã nhận thấy rằng trải nghiệm – cho dù chỉ là thoáng qua – cũng sẽ mang đến cảm giác hạnh phúc nhiều hơn so với vật chất. Đây chính là lý do:
Trải nghiệm là một phần thuộc về bản sắc (identity) của mỗi người. Chúng ta không phải là những thứ mà chúng ta sở hữu mà đó là sự tích lũy những thứ mà chúng ta đã nhìn thấy, đã làm, đã đến và đã ở. Mua một chiếc Apple Watch sẽ không thay đổi việc bạn là ai. Tuy nhiên, xin nghỉ làm và bắt đầu chuyến hành trình chinh phục Appalachian Trail chắc chắn sẽ thay đổi rất nhiều suy nghĩ cũng như góc nhìn của bạn về cuộc sống.
“Trải nghiệm là thứ lớn hơn rất nhiều so với vật chất”, Gilovich nói, “Bạn có thể giống với một thứ gì đó và thậm chí, còn nghĩ rằng có sự kết nối giữa bạn và chúng nhưng dù sao, chúng cũng tách biệt với bạn. Ngược lại, trải nghiệm là một phần trong con người bạn. Bạn chính là tất cả những trải nghiệm do chính bạn tạo ra trong cuộc đời”.
Những sự so sánh chẳng hề quan trọng: Chúng ta không so sánh trải nghiệm theo cách mà chúng ta sử dụng để so sánh vật chất. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Harvard, khi được hỏi liệu rằng họ thích lương cao nhưng thấp hơn bạn bè hay lương thấp nhưng cao hơn bạn bè, nhiều người không chắc chắn về câu trả lời của mình. Cùng câu hỏi đó nhưng là độ dài của một kỳ nghỉ thì nhiều người đã chọn kỳ nghỉ dài mặc dù vẫn ngắn hơn so với đồng nghiệp. Về mặt số lượng, thật khó để xác định được giá trị tương đối của hai trải nghiệm bất kỳ – liệu rằng trải nghiệm nào sẽ khiến họ cảm thấy thích thú hơn nhưng rõ ràng nghiên cứu đã cho thấy hai kết quả khác biệt.
Dự đoán quan trọng hơn: Gilovich cũng tiến hành nghiên cứu về sự dự đoán và nhận thấy đoán trước về một trải nghiệm sẽ khiến chúng ta cảm thấy hào hứng và thích thú hơn trong khi dự đoán về việc sẽ được sở hữu thứ gì đó sẽ gây ra sự mất kiên nhẫn. Trải nghiệm đã tạo ra sự hứng thú ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên lên kế hoạch và nó sẽ kéo dài mãi mãi ngay cả khi bạn chỉ hồi tưởng về những kỷ niệm trong chuyến hành trình đó.
Trải nghiệm có thể chỉ là thoáng qua: Bạn đã từng mua thứ gì đó mà khi mua về, nó không được đẹp như bạn nghĩ? Một khi mua nó, nó ở ngay trước mặt bạn và luôn khiến bạn cảm thấy thất vọng. Và thậm chí khi sở hữu một đồ vật đúng như kỳ vọng của bạn thì bạn cũng có thể cảm thấy hối hận: “Nhìn đẹp quá nhưng có lẽ giá hơi đắt”. Chúng ta không suy nghĩ như vậy với trải nghiệm. Thực tế là trải nghiệm nào chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn sẽ càng khiến chúng ta đánh giá nó cao hơn và theo thời gian, chúng ta càng cảm thấy trân trọng nó nhiều hơn nữa.
Kết
Gilovich và đồng nghiệp không chỉ là những người duy nhất tin rằng trải nghiệm sẽ khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn vật chất. Tiến sĩ Elizabeth Dunn đến từ Đại học British Columbia cũng đã từng nghiên cứu về chủ đề này và cũng khẳng định rằng hạnh phúc tạm thời có được từ việc mua thứ gì đó sẽ nhanh chóng “bốc hơi” và khiến chúng ta ham muốn nhiều hơn nữa. Vật chất có thể “tồn tại” lâu hơn trải nghiệm nhưng những kỷ niệm có được từ những trải nghiệm đó khó mà quên được.