Anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ đường Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3, TP.HCM) cho biết ngày 21/1, anh mua ít gạo nàng hoa tại một cửa hàng quen trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3). Đến khi nấu cơm, anh thấy có nhiều hiện tượng bất thường.
Cụ thể, anh Bình có cảm giác gạo không nở, cơm có chỗ còn sống. Nghi là gạo giả, anh Bình đã dùng lửa từ bình gas mini đốt một ít. Sau 3 giây đốt lên, gạo đã cháy đen, mùi hôi như nhựa, sau đó vón cục.
Tiếp tục, anh Bình dùng một ít gạo loại bình thường và thực hiện thao tác tương tự. Phải mất trên 10 giây, số gạo này mới cháy đen và mùi không khó chịu như loại gạo đốt trước đó.
Sau đó mẫu gạo “lạ” nêu trên được gửi đến Trung tâm Kiểm nghiệm, Phân tích nông sản (trụ sở tại quận Tân Bình, TP HCM) và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Trung tâm 3) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lượng Chất lượng. Qua phân tích, cả hai đơn vị có chung kết luận cho thấy thành phần gạo là glucid, protein và không có tạp chất lạ.
TS Trần Quốc Trong, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng gạo anh Bình mua có biểu hiện lạ có thể do để lâu hoặc quá trình bảo quản, vận chuyển không tốt khiến chất lượng giảm sút.
Ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương chi nhánh phía Nam, cho rằng nghi vấn gạo nhựa khó xảy ra vì chi phí cao và hạt nhựa làm ra gạo có kích thước nhỏ, làm rất kỳ công. Ngoài ra, nếu lô gạo có vấn đề, hàng loạt người sẽ phản ánh chứ không phải một mình anh Bình.
Theo anh Trần Vĩnh Tuyến, Giám đốc Công ty sản xuất nhựa Thiên Kim (huyện Bình Chánh), không thể nào lấy nhựa làm gạo được vì nhựa nguyên chất giá thành rất cao và không thể bẻ gãy như những hạt gạo. “Còn nhựa tái chế sẽ có màu đục, giá thành cũng cao hơn cả gạo” – anh Tuyến khẳng định.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Ninh Sơn – Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, sáng ngày 19/2, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh đã đến kiểm tra tại cơ sở kinh doanh T.V. (phường 2, TP.Vĩnh Long) và lập biên bản thu giữ 19 túi gạo các loại (mỗi túi 5kg) không có nguồn gốc xuất xứ.
Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm (Đại Học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, không có chuyện có gạo giả tồn tại trên thị trường.
“Việc đầu tư công nghệ sản xuất gạo giả rất tốn kém, thậm chí gấp mấy chục lần gạo thật. Vậy người ta sản xuất gạo giả để làm gì, nếu vì lợi nhuận thì với chi phí sản xuất như vậy, giá gạo giả lớn gấp mấy lần gạo thật thì ai mua? Còn việc xuất hiện một số hạt trong gạo có màu khác thường so với những hạt gạo còn lại không có gì đáng lo ngại, đó chỉ là những hạt gạo cá biệt. Trên thế giới này không tồn tại gạo giả bằng chất dẻo”, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Cùng quan điểm, đại diện Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cũng cho hay, thông tin về “gạo giả” đã từng xuất hiện vào các năm 2011, 2012, tuy nhiên tại thời điểm đó, qua xác minh của các cơ quan chức năng, thông tin đó là không chính xác. Đơn vị này cho biết, sẽ tiến hành phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh và sẽ có thông tin sớm nhất đến cộng đồng nếu phát hiện trường hợp bất thường về gạo đang tiêu thụ trên thị trường.
Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý người dân không nên hoang mang và đề nghị trong quá trình kinh doanh, tiêu dùng gạo, nếu phát hiện những nghi ngờ, bất thường cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng liên quan.