Người Trung Hoa từ xa xưa có câu: “Ngâm chân mỗi ngày, hơn uống thuốc bổ”. Thực tế, ngâm chân là cách đơn giản và hiệu quả nhất để thư giãn tinh thần, kích thích huyệt vị, thông kinh lạc, lưu thông khí huyết, đạt tới hiệu quả thư giãn và bảo vệ toàn diện đối với cơ thể.
Công dụng tuyệt vời của ngâm chân với gừng
1. Trị cảm mạo
Cắt một miếng gừng bằng ngón tay cái, ngâm trong nước nóng, nhiệt độ nước khoảng 40 độ C. Người bị bệnh cảm mạo ngâm chân với nước gừng có thể ngăn chặn bệnh tình trở nặng.
Người không mắc bệnh cũng có thể tránh hàn khí xâm nhập và phòng trừ các căn bệnh về thời tiết khi chuyển mùa.
2. Trị phong thấp
Gừng có đặc tính khử hàn, khử phong rất tốt. Người bị phong thấp nên duy trì thói quen mỗi tối ngâm chân bằng nước gừng khoảng 30 phút, bệnh tình có thể nhanh chóng thuyên giảm.
Các thầy thuốc Trung y khuyến khích người bệnh ngâm chân bằng thùng gỗ, mực nước cao tới bắp chân để đạt được hiệu quả tối đa.
3. Giảm tình trạng lạnh tay chân
Nhờ có công dụng khử hàn, tiêu trừ hàn khí, gừng được biết tới như một vị thuốc hữu hiệu trong việc giữ ấm và tăng tuần hoàn máu.
Chứng lạnh tay chân có nguyên nhân chủ yếu là bởi cơ thể không cung cấp đủ máu tới các cơ quan này. Ngâm chân bằng gừng có thể cải thiện tuần hoàn máu và giảm bớt tình trạng lạnh tay chân.
Ngâm chân thế nào cho đúng
Ngâm, rửa chân bằng nước nóng: Dùng nước sạch đun nóng đến 50-60 độ C rồi cho vào thau bằng gỗ hay sứ (hiện nay ở những cửa hàng dụng cụ y khoa đã có bán các thau bằng điện và tạo sóng kích thích). Người bệnh ngồi thẳng, ngâm rửa chân trong nước nóng, mỗi lần ngâm rửa từ 10-15 phút. Mỗi tối trước khi đi ngủ thực hiện một lần.
Nếu nhiệt độ nước hơi cao, có thể thêm một ít nước lạnh hoặc chờ nước nguội bớt rồi ngâm rửa.
Nước thuốc ngâm, rửa chân: Chọn phương thuốc thích hợp với tính chất của bệnh. Dùng nước nấu thuốc hoặc dùng nước nóng hòa tan thành dung dịch thuốc (đối với thuốc đã tán bột). Sau đó đổ dung dịch thuốc vào thau, đưa hai chân (hay bên chân bị bệnh) vào ngâm rửa. Mỗi ngày ngâm từ 1-3 lần, mỗi lần 10-20 phút.