Chiều 14/2, bác sĩ Huỳnh Đức Phát – Trưởng khoa gây mê hồi sức (Bệnh viện Đà Nẵng) xác nhận, khoa đang điều trị cho một bé trai 15 tháng tuổi bị rơi từ tầng 5 khu chung cư xuống tầng 1. Bệnh nhi là cháu D.T.Tr. (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Theo đó, cháu Tr. vào viện lúc 10h ngày 14/2 trong tình trạng tím toàn thân, biến dạng vùng mặt, vật vã, máu chảy nhiều ở vùng mũi, thở nấc, bụng chướng, biến dạng vùng dưới cánh tay phải và vùng đùi bên trái, hôn mê.
Kết quả chụp CT cho thấy có xuất huyết vùng trán bên trái, tụ khí trong não, phù não lan tỏa nặng, vỡ xương sọ trán, chụp X quang thấy gãy 1/3 xương đùi bên trái, gãy 1/3 xương cánh tay phải.
Người nhà bệnh nhi cho biết trong chiều 14/2, cháu Tr. chơi một mình ở ban công tầng 5 của gia đình khi bố mẹ đang làm việc bên trong. Được một lúc gia đình không thấy cháu Tr. đâu nên đổ xô đi tìm.
Sau đó, nhiều người sống ở tầng trệt của chung cư đã phát hiện cháu Tr. nằm dưới đất trong tình trạng bất động.
Theo chuyên trang sức khỏe Kidshealth của Australia, để ngăn ngừa trẻ ngã từ ban công, cha mẹ cần lưu ý:
– Những thứ mà trẻ em có thể trèo lên hoặc đứng lên như bàn, ghế hoặc chậu cảnh nên được đặt tránh xa rìa ban công.
– Đừng để bàn, ghế nhẹ tại bất kỳ nơi nào trên ban công, trẻ em có thể kéo những thứ này đến rìa ban công.
– Sử dụng các bề mặt không trơn trượt trên ban công.
– Đảm bảo rằng lan can (thanh chắn) ban công đảm bảo đủ các tiêu chuẩn hiện hành: ít nhất là cao 1m, tốt nhất là cao hơn 1,3m, không có các khe hở nào rộng hơn 10-12,5cm, không có phần nào mà trẻ có thể dùng làm điểm tựa leo lên hoặc trèo qua ban công
– Khi không sử dụng ban công hãy khóa các cửa lớn và cửa sổ sát ban công.
– Không cho trẻ chơi đùa ở ban công, dù ở nhà mình hay tới thăm nhà khác.