Từ thời cổ đại cho đến giữa thế kỷ 16 sau CN, thầy phù thủy luôn đồng nghĩa với nhà thông thái hiền triết. Sau đó, sự hiền triết bị phai mờ đi, thầy phù thủy chỉ còn là người có phép thuật.
Thầy phù thủy là nhân vật thường thấy trong những câu chuyện cổ tích, có xuất xứ từ nhiều nơi khác nhau và sống trong những thời kỳ khác nhau.
Trong các câu chuyện cổ tích, thầy phù thủy được nhận diện qua phép thuật không chỉ những nhân vật “một chiều”, mà thầy phù thủy có nhiều vai trò khác nhau, như: nhân vật chính, nhân vật phản diện, nhân vật chính diện…
Quyền năng phù thủy
Các trò pháp thuật phù thủy rất thịnh hành ở các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc. Trong một tài liệu cách đây hàng trăm năm của một du khách người A-rập mô tả rất kỹ buổi hành lễ ở Trung Hoa. Trước đám đông người, một phù thủy dùng một quả cầu gỗ có buộc dây thừng và ném nó lên trời. Quả cầu bay cao và biến mất hút, chỉ còn sợi dây treo lơ lửng.
Phù thủy sai một cậu bé bám vào sợi dây để leo lên trời. Chỉ ít phút sau cậu bé cũng biến mất. Tộc trưởng suy nghĩ và nói một điều gì đó với phù thủy, lập tức phù thủy dùng dao cắt đứt dây, cắt rời từng phần cơ thể của cậu bé rơi xuống đất. Quang cảnh đẫm máu làm cho những người chứng kiến kinh hãi. Nhưng sau đó tộc trưởng lầm rầm khấn vái một điều gì đó, các bộ phận của cậu bé dính vào nhau và cậu ta sống lại như bình thường. Buổi hành lễ kết thúc trước sự kinh ngạc của những người chứng kiến.
Thầy phù thủy Ai Cập cổ đại
Trong thời kỳ Ai Cập cổ đại, có bộ truyện về các thầy phù thủy tên là Westcar Papyrus. Bộ truyện gồm 5 câu chuyện, nhưng chỉ có câu chuyện đầu tiên được lưu truyền lại.
Người ta cho rằng bộ truyện được sáng tác vào giai đoạn giữa thời kỳ cổ đại. Những câu chuyện được viết ở dạng “nhiều câu chuyện nằm trong một câu chuyện”.
Westcar Papyrus là một câu chuyện gồm mấy câu chuyện ma thuật kể về triều đình Khufu. 1/3 âu chuyện kể về nhân vật Dedi sống dưới triều Khufu. Dedi là phù thủy có phép thuật gắn đầu động vật bị chém trở lại thân mình như cũ.
Thầy phù thủy “chim cắt Nhật Bản”
Thầy phù thủy Abe no Seimei phục sự triều đình, thường được gọi là “chim cắt Nhật Bản”. Abe no Seimei là nhân vật lịch sử sống vào cuối thế kỷ 10 và đầu thế kỷ 11 sau CN. Ông theo môn phái Onmyoji (sự kết hợp giữa khoa học tự nhiên và thuyết huyền bí).
Thầy phù thủy Abe no Seimei biết đọc thần chú xua đuổi ma quỷ và tiên đoán tương lai. Sau khi ông qua đời, xuất hiện một số truyền thuyết làm ông càng trở nên nổi tiếng.
Như có truyền thuyết cho rằng ông là người lai cáo vì mẹ ông mang linh hồn cáo. Ông có thể điều khiển yêu tinh.
Ở các bộ tộc như Zulu và các dân tộc nói tiếng Bantu ở Nam Phi, phù thủy luôn là phụ nữ và có vị trí vô cùng quan trọng. Phù thủy thường mặc bộ trang phục lộng lẫy làm bằng da động vật, lông vũ và sơn mặt. Tóc của họ được tết lại rất phức tạp, nhuộm màu đỏ tươi. Họ thường mang theo những biểu tượng nghề nghiệp của họ như khiên, vòng, bùa chú…
Trong niềm tin của nhiều người, phù thủy là có thật và sự tồn tại của họ có thể làm hại hay giúp ích cho con người, nói dễ hiểu hơn là có phù thủy “tốt” và phù thủy “xấu”. Ngày nay, niềm tin ấy vẫn còn tồn tại và mang lại mối nguy hiểm cho những người bị coi là phù thủy. Ở nhiều quốc gia, phù thủy bị truy lùng ráo riết và bị sát hại hết sức dã man.