Cuộc sống trong hậu cung Trung Quốc triều đại phong kiến khác xa với sự hào nhoáng trên phim ảnh. Trong cung cấm con người luôn phải đối mặt với sự cô đơn, trầm cảm và thiếu sức sống… nạn nhân không ai khác chính là các phi tần cung nữ của hoàng đế.
Triều đại phong kiến Trung Quốc đã kết thúc hơn 1 thế kỷ, nhưng sự thật về cuộc sống của các cung nữ phi tần trong tam cung lục viện suốt hàng nghìn năm qua vẫn còn là điều bí ẩn. Qua phim ảnh, hậu thế có thể biết được sự xa hoa hào nhoáng mà người thường không thể với tới, nhưng thực sự đằng sau cuộc sống nhung lụa ấy là sự cô độc bi thương khó thoát ra được.
Cuộc sống “cá chậu, chim lồng”
Từ khi tiến cung năm 16 tuổi cho tới 60 tuổi, cuộc sống của phi tần cung nữ của hoàng đế phong kiến Trung Quốc được ví như “cá chậu, chim lồng” luôn bị bó buộc bởi hàng trăm luật lệ hà khắc, gọi chung là “cung quy”.
Sống trong môi trường bí bách và thiếu sinh khí như vậy, đa phần phi tần cung nữ ở hậu cung đều không thọ. Vào cung từ lúc còn được gọi là “thiếu nữ”, nhưng nếu không may mắn được bề trên chọn lựa thì phần đông đều qua đời do đau buồn, bệnh tật khi tuổi đời còn trẻ.