Trong các tài liệu y học cổ truyền, cây lá ngón có tên khoa học là Gelsemium elegans Benth, được mô tả như sau: Thân cây có khía. Cành non màu xanh lục nhạt không có lông. Cành già màu xám nâu nhạt. Lá mọc đối, không lông, hình trứng hay hình trứng mũi mác, đầu nhọn, mép nguyên, xanh nhẵn bóng, mép lá nguyên, dài 7 – 12 cm. Hoa mọc thành xim đầu cành hay kẽ lá. Năm cánh hoa màu vàng, tràng hoa hình phễu, ra hoa trong khoảng từ tháng 5 – 12. Quả là dạng quả nang, hình thon elíp hay hình trứng, nhẵn, không có lông, màu nâu. Hạt nhỏ cỡ 0,5 cm, dạng từ hình elíp tới hình thận, màu nâu nhạt, phần giữa có lông, có diềm cánh mỏng xung quanh giúp phát tán theo gió.
Loài cây này phân bố khá phổ biến ở miền rừng núi nước ta như Hòa Bình, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang.
Lá ngón được coi là loại cây độc nhất ở nước ta, chỉ cần ăn 3 lá là đủ độc tố để chết người. Tuy vậy, người ta còn dùng rễ của loài cây này để chữa bệnh hủi hay bệnh nấm tóc.
Đáng ngạc nhiên là loài dê lại miễn nhiễm với loài cây này, trong khi các loài vật khác sẽ “gặp tử thần” nếu chẳng may ăn phải.
Thành phần độc tố trong lá ngón là các alkaloid có trong toàn bộ cây và độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Alkaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh.
Alkaloid trong cây lá ngón được hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa, chỉ từ 5-30 phút. Nạn nhân ăn lá ngón có thể tử vong trung bình từ 1-7,5h.
Ngay sau khi ăn lá ngón, nạn nhân sẽ có các triệu chứng như sau: Đau bụng, buồn nôn, khó chịu, mệt mỏi, giãn đồng tử dấn đến nhạy cảm với ánh sáng, chói mắt, sụp mi và liệt cơ hàm dưới, thở yếu, thở chậm dẫn đến suy hô hấp,…