Người người đẻ con trai, nhà nhà đẻ con trai
Sau 60 năm tích cực thực hiện kế hoạch hoá gia đình, đến nay Việt Nam lại nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục DS-KHHGĐ, tốc độ mất cân bằng giới tính tại VN đang tăng rất nhanh và lan rộng từ thành thị đến nông thôn trên khắp 6/6 vùng lãnh thổ. Những người càng có điều kiện kinh tế tốt, càng có học vấn cao thì càng lựa chọn giới tính khi sinh.
Ông Tân dẫn chứng, nếu như năm 2006, có 109,8 bé trai/100 bé gái thì đến năm năm 2013 con số này tăng lên 113,8/100 và hiện là 112 bé trai/100 bé gái. Tỉ lệ này tại Hà Nội là 114 bé trai/100 bé gái và nhận định rất khó để đưa về mức cân bằng tự nhiên.
Cá biệt, một số huyện ngoại thành Hà Nội có tỉ lệ giới tính khi sinh đạt ngưỡng báo động đỏ như: Ứng Hòa (132,6 bé trai/100 bé gái); Mê Linh (127/100); Ba Vì (123,6/100); Sóc Sơn (123,5/100); Sơn Tây (123,2/ 100); Mỹ Đức (121,9/100).
Như vậy, hiện tại Việt Nam đang thiếu hụt vài trăm nghìn phụ nữ. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, đến 2050, con số này sẽ lên tới 2,3-4,3 triệu người.
Điều này sẽ kéo theo hệ luỵ là cấu trúc gia đình sẽ tan vỡ, phụ nữ kết hôn sớm, tỉ lệ ly hôn, độc thân cao, bạo hành gia đình, bạo lực giới, mất an ninh trật tự, buôn bán phụ nữ, trẻ em, HIV/AIDS tăng…
Nguy cơ nhà không ai ở, lớp vắng học sinh
Theo GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hộithì vào giai đoạn những năm 60 thế kỷ trước, trung bình mỗi phụ nữ VN đẻ khoảng 6,8 con. Từ 2005 đến nay, nước ta duy trì mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ và tỉ lệ này vẫn đang giảm dần.
Nhiều tỉnh và thành phố lớn đang có mức sinh quá thấp. Như TP.HCM năm 2015 chỉ còn 1,45 con/phụ nữ; Bà Rịa-Vũng Tàu: 1,56, Bình Dương:1,59…
Mức sinh thấp kéo theo tỉ lệ tử vong mẹ và trẻ giảm nhanh, tỉ lệ nhập học cao ở tất cả các cấp, tỉ lệ hộ nghèo giảm theo quy mô gia đình và chất lượng dân số tăng lên,… chỉ là những lợi ích ngắn hạn. Nhưng về dài hạn thì nó sẽ tạo ra những thách thức nghiêm trọng với sự phát triển dân số. Dân số giảm sẽ có những ngôi nhà không ai ở, những lớp học vắng học sinh, những con đường ít người đi. Di cư trong nước và di cư quốc tế cao, lao động ngày càng khan hiếm, già hoá nhanh…
“Nhiều nước trên thế giới có mức sinh thấp kéo dài đến khoảng giữa thế kỷ này, số người cao tuổi sẽ chiếm một nửa, thậm chí 60% dân số, chẳng hạn Nhật Bản, Hàn Quốc… Các quốc gia này đang phải vật lộn để giải quyết những hậu quả nặng nề với chi phí cao, kể cả mở rộng nhập cư, nhập khẩu lao động”, GS Cử phân tích.
Dân số già hoá nhanh nhất thế giới
Phó Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, nước ta đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011, khi tỉ lệ người trên 60 tuổi chiếm trên 10%, với khoảng 11 triệu người.
Đáng lưu ý, tốc độ già hoá dân số của Việt Nam quá nhanh, chỉ mất từ 17-20 năm và đang nằm trong top nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước có nền kinh tế phát triển mất nhiều thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ để chuyển sang giai đoạn dân số già.
Đơn cử như Pháp mất 100 năm, Thuỵ Điển 85 năm, Australia 73 năm, Mỹ 69 năm, Canada 65 năm…
Tuổi thọ trung bình của người Việt tăng nhưng lại bị bệnh tật nhiều. Trung bình mỗi người cao tuổi mắc tới 2,69 bệnh, chủ chủ yếu các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch…
Trong khi đó kinh tế VN vẫn ở mức trung bình, già khi chưa kịp giàu, ngược với trình tự của các nước. Đây sẽ là thách thức lớn với hệ thống an sinh xã hội.