Gà ngoại giá rẻ bằng nửa gà nội
Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội tại chợ Dịch Vọng, các mặt hàng gà đông lạnh được giới thiệu nhập khẩu từ nước ngoài về bán rất chạy. Gà này không còn nguyên con mà được chia thành nhiều loại, chủ yếu là đùi, cánh và chân. Theo chào mời của các tiểu thương, phần thịt thân và đùi gà đông lạnh có giá 20.000 – 40.000 đồng/kg, phần cánh có giá 50.000 – 60.000 đồng/kg và chân gà được bán với giá 65.000 – 75.000 đồng/kg.
Theo chị C, một người bán hàng lâu năm ở đây cho biết, nếu mua với số lượng lớn theo thùng giá còn có thể giảm hơn nữa. Theo khảo sát của phóng viên, tính trung bình, mỗi kg thịt gà trên có mức giá tương đương với giá rau xà lách (40.000 đồng/kg); mướp đắng (30.000 đồng/kg); rau cải (20.000 đồng/kg) được bày bán trong chợ Dịch Vọng.
Tại các sạp thực phẩm, những phần thịt gà đông lạnh được bày ngay trên thùng xốp. Lúc đem bán cho khách hàng, loại gà này hầu như chưa được rã đông, có màu xám, một số miếng thịt xuất hiện mùi hôi. Khi hỏi về cách bảo quản thịt gà đông lạnh, anh Q – một người bán hàng nói: “Chị cứ bảo quản trong tủ đông, có để cả năm vẫn tươi ngon”(?).
Về nguồn gốc của loại thịt gà đông lạnh này, các tiểu thương đều khẳng định là gà công nghiệp nhập ngoại. Mỗi buổi sáng, các xe tải chở số lượng lớn gà đông lạnh đến chợ đầu mối và giao cho các tiểu thương. Khi hỏi vì sao thịt gà ngoại lại có giá rẻ bằng nửa thịt gà nội địa? những người bán hàng từ chối nói lý do.
Những tiểu thương này còn chia sẻ cách làm thơm thịt, hết chảy nước loại thịt gà này như: Chỉ cần ngâm vào nước muối hoặc gừng rửa sạch là thơm tho. Chưa hết, họ còn liên tục “thề” rằng, đây là thịt gà công nghiệp nhập khẩu nguyên con chứ không phải hàng trôi nổi.
Quan sát nhiều ngày tại chợ Dịch Vọng, chúng tôi thấy thịt gà đông lạnh bán khá chạy, nhất là cho các chủ quán cơm “bình dân” và sinh viên các trường quanh địa bàn.
Trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Thị G (sinh viên trường Đại học Thương mại) tâm sự: “Mình mua quen thịt gà của một chị tiểu thương ở chợ Dịch Vọng. Dù gà đông lạnh nhưng thịt khá ngon. Hôm nào ra chợ muộn thì thịt gà này không còn tươi, nhưng giá rẻ nên mình vẫn mua về rồi chiên hoặc rang xả ớt để át mùi. Chị bán hàng bảo là thịt gà nhập ở Mỹ có giấy tờ đàng hoàng nên mình không lo”.
Còn chị Lê Thị K, một công nhân ở trọ trên địa bàn phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy thì chia sẻ: “Mỗi tuần tôi chỉ đi chợ sớm 1,2 lần nên chọn thịt gà đông lạnh rồi mua nhiều bỏ vào vào tủ lạnh ăn dần. Thôi thì tiền nào của nấy nên tôi cũng không băn khoăn về chất lượng làm gì. Mà nếu không an toàn người ta cũng chẳng dám mang ra chợ bày bán đâu”.
Tiểu thương đã “ký cam kết”
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề trên, bà Bảo Anh, Phó Ban quản lý phụ trách chợ Dịch Vọng cho biết, về nguồn gốc, chất lượng của thịt gà đông lạnh người bán hàng đã ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ban quản lý sẽ thông qua đó để kiểm tra chất lượng của hàng hóa. Khi phát sinh vấn đề về chất lượng thì mới truy xuất lại nguồn gốc.
“Hiện nay việc cơ quan thú y kiểm tra không thông qua đóng dấu kiểm dịch nữa mà kiểm soát từ khâu giết mổ. Khi cơ quan này kiểm tra người kinh doanh sẽ xuất trình hóa đơn đảm bảo về nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới được kinh doanh. Một số người kinh doanh cũng chỉ biết lấy hàng ở các đầu mối nên nếu có trà trộn cũng rất khó kiểm tra nguồn gốc”, bà Bảo Anh cho biết.
Qua tham khảo một số chuyên gia, chúng tôi được biết, có một số tiểu thương thường lấy nguồn gà (đông lạnh) nhập khẩu ở các nước Brazil, Mỹ với giá rẻ (giá đổ buôn khoảng 18.000-20.00 đồng/kg). Khi nhập khẩu, những lô hàng này được thông quan tại các cảng là đã đảm bảo các tiêu chuẩn kiểm soát của cơ quan thú y vùng và còn hạn sử dụng.
Tuy nhiên, rất có thể những lô hàng đông lạnh nhập khẩu này sau đó được xé lẻ tiêu thụ. Do vậy, nó không còn thông tin về hạn sử dụng. Đáng lưu ý, đa phần thịt gà đông lạnh được chặt khúc bởi nếu nhập khẩu nguyên con sẽ phải chịu thuế cao hơn.
Liên quan đến vấn đề này, PSG.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng: “Các cơ quan chức năng cần có biện pháp trong việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm phân phối trên thị trường. Thực tế hiện nay, người mua hàng nhiều khi chỉ dựa vào “niềm tin” và “cam kết” của các tiểu thương, trong khi không phải lúc nào niềm tin hay cam kết cũng đúng”.