VnExpress đưa tin, phần lớn thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại Việt Nam đều có chứa kháng sinh. Đồng thời, tỉ lệ đa kháng kháng sinh trên các loài gặm nhấm bắt tại trại chăn nuôi cao hơn 8 lần so với các loài bắt trong môi trường tự nhiên. Điều này chứng tỏ, các trại chăn nuôi hiện là điểm nóng trong đề kháng với kháng sinh.
Tiến sĩ Carrique-Mas, Chủ nhiệm nghiên cứu thuộc đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (đặt tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) cho biết gia cầm dùng đến 85% thuốc kháng sinh được sử dụng trong mục đích phòng bệnh qua đường uống. Ngoài ra, còn một lượng lớn kháng sinh có sẵn trong nhiều sản phẩm thức ăn công nghiệp.
Theo kết quả khảo sát tình trạng chăm sóc gà bằng kháng sinh ở 208 trang trại tại đồng bằng sông Cửu Long của tổ chức này, trung bình mỗi con gà thịt “ăn” đến 470mg chất kháng sinh. Lượng kháng sinh này cao gấp 5-7 lần so với châu Âu.
Kháng thuốc kháng sinh đã trở thành một nguy cơ toàn cầu, khiến 700.000 người chết mỗi năm. Nếu không có những hành động thiết thực thì từ năm 2050, thế giới sẽ có khoảng 10 triệu người chết do kháng kháng sinh.
Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới, trong số 10 loại thuốc được dùng phổ biến tại Việt Nam thì kháng sinh là cao nhất, trong đó kháng sinh thế hệ thứ 3 nằm đầu danh sách. Thống kê của tổ chức này cũng cho thấy Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới.
Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.
Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Có đến 90% kháng sinh được bán không có đơn của bác sĩ, trong khi những người bán thuốc lại thường không có kinh nghiệm. Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng trọt cũng ở mức báo động.