Ray là lính nhảy dù của quân đội Mỹ và vô cùng khỏe mạnh. Triệu chứng bệnh của anh bắt đầu xuất hiện vào năm 2013 với các biểu hiện đổ mồ hôi, buồn nôn và nói nhiều như người say rượu. Vụ va chạm xe năm 2014 do tình trạng say xỉn này của Ray khiến ông mất việc, căn bệnh mới được hé lộ.
Ray sau đó luôn xuất hiện trong tình trạng như say sưa. Vợ sợ chồng bị nghiện rượu nặng nên đưa ông đi cai nghiện, khóa tài khoản ngân hàng để khỏi mua rượu. Tuy nhiên, Ray vẫn say mỗi ngày. “Chúng tôi đã làm việc cùng nhau, ăn cùng nhau, thậm chí chia sẻ cả ly nước giải khát, Ray không hề động đến rượu bia, chất kích thích mà vẫn say. Tôi không biết chuyện gì đang xảy”, Sierra – vợ của Ray nói.
Người đàn ông sau đó được chẩn đoán mắc hội chứng đường ruột lên men (Auto-brewery Syndrome). Hội chứng này khiến ông say mèm sau khi ăn. Sierra cho biết, có lần chồng không hề uống rượu nhưng khi đo nồng độ cồn trong máu lên đến 0,14 – quá giới hạn pháp lý. Người vợ thậm chí phải sử dụng thiết bị định vị GPS cho chồng trong trường hợp ông say và đi lang thang một mình.
Hiện tại, Ray chỉ ăn rau và protein, không được ăn đường và carb. Ông phải kiểm tra lượng cồn trong máu mười mấy lần một ngày và tập sống dần với tình trạng này.
Theo GundryMD, hội chứng ABS làm cho người bị bệnh cảm thấy say và không thể thực hiện các hành vi đơn giản. Nó xảy ra do nấm men tích tụ trong ruột sau khi người bị bệnh ăn đường. ABS do nấm men trong ruột bị mất kiểm soát hoặc cũng có thể do các enzym bất thường trong gan gây ra. Bệnh xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào.
Đây là căn bệnh hiếm gặp và không thể chữa khỏi. Việc duy nhất bệnh nhân cần làm là tránh đường và carbohydrate có thể giúp kiểm soát triệu chứng, cũng như thường xuyên theo dõi hàm lượng cồn trong máu của bệnh nhân để kiểm soát hành vi.