Chuyện nói xấu sau lưng, thù ghét đồng nghiệp, chia bè kết phái, ai mà chả biết, ai mà chả sợ. Đặc biệt, trong những môi trường công sở cạnh tranh nhau về mặt doanh số từng tháng, ma cũ bắt nạt ma mới, thói ghen tị,… thì dù không dám tưởng tượng thì vẫn sẽ có đầy chuyện để kể.
Tất nhiên, chẳng ai muốn những câu chuyện xấu xí ấy xảy ra với mình cả vì không những khiến bản thân mệt mỏi mà còn “mang tiếng” dù “chẳng có lửa nhưng vẫn có khói”.
Mỗi người đều có một cái miệng, người ta cứ nói “lời nói gió bay” nhưng một khi đã nói ra thì lời nói chẳng thu lại được. Vì thế, miệng của ai, người ấy nên giữ, hơn nữa, thù hằn cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, chỉ khiến bản thân chuốc thêm một mối lo. Vì thù giận người kia mà “đâm bị thóc chọc bị gạo” thì chẳng có chuyện gì hay ho đáng kể cả, người đơm điều cũng lo mà người bị đơm điều cũng hãi.
Tất nhiên, ai mà chẳng có lí do cho rằng điều mình nói là đúng, bởi vì thích hay không thích, nói hay không nói là quyền của cá nhân mỗi người. Nhưng nói những lời đụng chạm tới người khác, hơn nữa lại là những điều không đúng sự thật, những điều “tai bay vạ gió”, dù chẳng ai đưa ra pháp luật nhưng điều đó không đúng với đạo lí làm người.
Cứ “nói cho sướng miệng” mà chẳng hề quan tâm đến cảm xúc, tâm trạng của người khác thì cũng có thể được coi là một tội ác. Dưới đây là câu chuyện mà ai cũng nên đọc, bất kể là nhân viên, quản lý hay giám đốc.
Một vị Tổng giám đốc của một công ty lớn đã quyết định đưa ra một hoạt động trưng cầu ý kiến và đóng góp xây dựng văn hóa công ty dành cho toàn bộ nhân viên. Sếp Tổng yêu cầu mỗi nhân viên của các phòng ban ngày nào cũng phải mang theo một túi đựng táo.
Mỗi quả táo trong túi chính là một cái tên của đồng nghiệp mà họ đang không thích, họ thấy rằng người này thiếu năng lực, không phù hợp với công ty, cần phải thay đổi cách làm việc hay thậm chí cần phải thuyên chuyển hoặc nghỉ việc, kể cả tên các trưởng phòng, phó phòng và giám đốc.
Số táo trong túi của mỗi người sẽ không bị giới hạn, vì nó phụ thuộc vào số lượng người mà nhân viên ấy không ưa và muốn họ thay đổi. Tất nhiên, mỗi người cần phải tuyệt đối bảo mật về những cái tên trong túi táo và những điều họ muốn gửi gắm và phải buộc nó thật chặt. Chỉ có Tổng giám đốc quyền lực nhất mới được biết nội dung trong các túi táo. Kết thúc 4 tuần trưng cầu ý kiến sẽ là một buổi thuyết trình của cá nhân về số táo ấy, ai có những đóng góp tích cực nhất sẽ được giám đốc trọng thưởng.
Khi cuộc vận động bắt đầu, ai ai cũng hồ hởi chuẩn bị táo và nghĩ xem mình cần chuẩn bị gì cho buổi thuyết trình cá nhân. Sếp Tổng đề nghị nhân viên nào cũng phải mang túi táo của mình bên cạnh ở bất cứ nơi đâu trong đúng một tháng, nhưng phải giữ nguyên số táo lúc đầu.
Tuần thứ nhất, nhiều người có túi táo rất nhẹ, dường như chỉ có vài quả. Nhưng cũng có nhiều người ngay từ những ngày đầu đã phải mang vác khệ nệ. Một tuần trôi qua, các nhân viên đều cố gắng suy nghĩ để tìm ra lỗi của các đồng nghiệp , nghĩ tới những người làm mình không hài lòng, với hi vọng sẽ làm thay đổi công ty, mang những điều tích cực nhất cho môi trường mình đang làm việc. Cứ thế, số táo tăng lên mỗi ngày.
Sang đến tuần thứ hai, nhiều người bắt đầu cảm thấy khó chịu vì sức nặng của túi táo và mùi táo thối bắt đầu bay ra, ngay cả khi họ đã buộc túi táo rất chặt. Khổ nhất là những người vừa phải xách nặng, vừa phải ngửi mùi táo thối trong suốt một ngày dài làm việc. Tới tuần thứ ba, không ai thực sự muốn thêm một quả táo nào vào túi của mình, mà chỉ mong đến ngày hoạt động góp ý này kết thúc.
Tuần cuối cùng, mùi táo thối khiến cả công ty nặng nề và khổ sở. Không ai còn có thể nghĩ đến việc tìm lỗi, bắt lỗi của người khác nữa, đơn giản là bởi họ đã quá khổ sở trong việc giữ và vác túi táo thối nặng nề đi khắp mọi nơi, nhiều khi những người xung quanh cũng phải tránh xa và lắc đầu không hiểu.
Ai cũng ân hận là mình đã không có cái nhìn tích cực hơn với người khác. Họ tự nhiên cảm thấy những đồng nghiệp mà họ chê trách và coi thường vẫn còn có rất nhiều điểm tích cực.
Đến ngày cuối cùng, khi chuẩn bị được giải thoát khỏi túi táo thối, các nhân viên đều cảm thấy như chính tâm hồn mình được giải thoát. Không ai còn muốn hùng biện hay thuyết trình nữa, mà chỉ muốn tĩnh lặng để suy nghĩ về hoạt động vừa rồi và bản thân mình. Khi tới gặp vị Tổng giám đốc cùng với túi táo thối của mình, ai ai cũng xúc động và cảm thấy bản thân cần phải suy nghĩ lại về những lời chia sẻ về ý nghĩa bao hàm hoạt động này của sếp Tổng.
“Các đồng nghiệp thân mến của tôi, tôi muốn chia sẻ với các bạn trong những kinh nghiệm quý báu nhất cuộc đời mà tôi đã trải qua thì đây chính là bài học sâu sắc mà tôi đã được học và bây giờ tôi muốn chia sẻ lại với các bạn. Túi táo thối mà các bạn đang cầm trên tay chính là tâm trạng của bạn khi bạn coi thường, ghét bỏ, kì thị hay định kiến về một ai đó. Chính những cảm xúc tiêu cực này làm ô nhiễm trái tim bạn và bạn sẽ phải chịu đựng nó ở bất cứ nơi nào bạn tới.
Không ai trên đời hoàn hảo cả, ai cũng còn những mặt tốt mà những người khác không biết đến, lấy đâu ra một viên ngọc óng ánh mà chưa qua mài giũa, phải không? Tất cả chúng ta, ai cũng có những mặt tích cực của họ để chúng ta hi vọng, động viên và khích lệ, giúp đỡ và hỗ trợ. Nếu bạn không thể chịu được mùi táo thối trong một thời gian ngắn ngủi đó thì tôi tin các bạn cũng chẳng thể chịu được mùi hôi thối của ghét bỏ, thù hận , kì thị và định kiến trong lòng trong suốt cả cuộc đời rất dài của bạn.
Tôi thật vui mừng vì các bạn đã tìm được bí quyết tốt nhất để đóng góp cho sự phát triển của công ty, đó chính là nỗ lực phối hợp và tương trợ lẫn nhau, dựa trên tấm lòng bao dung rộng mở và cái nhìn luôn thiện tâm đói với những người khác. Cám ơn các bạn vì sự đóng góp này”.
Vậy đấy, câu chuyện này không chỉ là dành cho những người đang ôm tư thù với đồng nghiệp mà còn dành cho tất cả mọi người, nếu chúng ta chấp nhận vứt bỏ hết những ghét bỏ, thù hận đối với người khác từ sâu trong đáy lòng thì chúng ta sẽ cảm thấy thật nhẹ nhõm và thoải mái, giống như khi ta quẳng đi một mối lo. Tha thứ, bao dung cho người khác chính là thái độ tốt nhất chúng ta nên làm, hơn thế đó chính là thái độ sống tốt nhất mà mỗi người chúng ta nên có.
Giữ suy nghĩ tiêu cực về một ai đó trong tâm trí sẽ khiến chúng ta mệt mỏi và thậm chí sự an yên có thể rời xa ta mãi mãi. Suy cho cùng, đồng nghiệp cũng chỉ là những người bạn đi cùng ta một quãng đường dài của cuộc đời, vì rồi ai cũng vài lần chuyển việc trong đời. Những điều còn sót lại trong tâm trí chúng ta về một ai đó, tốt hơn hết hãy nên là những điều tốt đẹp…