Chấn thương là cơn ác mộng đối với bất kỳ ai đang tập thể hình. Một khi đã dính chấn thương, bạn cần có thời gian nghỉ ngơi, xa rời phòng tập. Khi trở lại, bạn gần như phải rất nỗ lực để bắt kịp với cường độ trước đây.
Có rất nhiều lý do dẫn đến chấn thương khi tập thể hình. Lý do phổ biến nhất là tập sai cách. Một lý do khác, cũng quan trọng không kém, đó là thiếu những trang bị cần thiết. Càng tập nặng, bạn sẽ thấy chúng cần thiết như thế nào.
1/ Đai lưng thể hình
Đai lưng không còn xa lạ gì với mọi người. Tầm quan trọng của nó là không thể chối cãi. Bất cứ phòng tập nào cũng chuẩn bị sẵn đai lưng cho mọi người. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bạn: Nên sắm cho mình một cái đai lưng riêng và nếu có điều kiện, hãy sắm một đai lưng thật xịn. Chắc chắn bạn sẽ không hối tiếc với số tiền mình bỏ ra.
Đai lưng gắn liền với các bài tập Deadlift và Squat. Nhiều người còn sử dụng đai lưng khi nằm ghế đẩy ngực (bench press). Không chỉ bảo vệ phần lưng của bạn, đai lưng còn giúp bạn chịu được khối lượng lớn hơn. Tuy nhiên, đai lưng không phải trang bị để lạm dụng. Chẳng ai lại mang đai lưng khi tập những bài tay cả, còn mang đai lưng khi tập bụng là cả một sự… vướng víu.
Đặt đai lưng ở đâu? Ngay trên hông và quanh thắt lưng. Thắt đai chặt, nhưng đừng quá chặt đến nỗi bạn không thở được. Trước lúc nâng tạ, hít một hơi thật sâu. Thở mạnh khi đã cầm tạ và hít sâu lần nữa khi bắt đầu nâng tạ lên. Ưỡn bụng về phía trước sao cho bụng và lưng “ép” đai lưng.
2/ Dây cột thanh đòn (Wrist Straps)
Dây cột thanh đòn cũng là một trang bị rất phổ biến trong phòng tập. Nó sẽ giúp bạn tránh tình trạng trượt tạ trong khi tập.
Tương tự như đai lưng, chỉ nên dùng dây cột thanh đòn khi thật cần thiết. Các bài tập cần đến trang bị này bao gồm deadlift và kéo cầu vai. Một số người còn sử dụng trang bị cho những bài kéo xà, gập bụng trên xà. Và tất nhiên, không ai dùng nó cho những bài khởi động và bài bụng.
Bạn nên tham khảo cẩn thận cách sử dụng dây cột thanh đòn. Sử dụng không đúng cách, tỷ lệ trượt tạ của bạn thậm chí còn cao hơn. Và đừng buộc chặt quá bạn nhé. Càng buộc chặt, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ bị tuột dây trong lúc tập.
3/ Các loại dây quấn (Wrap)
Dây quấn đùi, dây quấn cổ tay là hai trang bị cần thiết đối với những người bị yếu đùi, yếu cổ tay (do chấn thương hoặc bẩm sinh). Dây quấn đùi được dùng khi tập Squat, còn dây quấn cổ tay được dùng cho bất cứ bài tập đẩy. Cả hai trang bị đều giúp bạn gánh nặng hơn thường thấy.
Theo huấn luyện viên David Knowles, ông bắt đầu quấn dây từ phía trên đầu gối cho tới một điểm cách phần xương bánh chè khoảng gần 3cm. Nếu bạn còn thấy miếng da nào lộ ra giữa các vòng quấn, nghĩa là bạn cần phải quấn lại cho kỹ hơn. Đối với quấn cổ tay, hãy quấn thật chặt để giữ cổ tay thẳng.
Bất kì trang bị nào cũng có mặt tốt và mặt không tốt của nó. Ví dụ, nếu lạm dụng đai lưng thì sức lưng dưới sẽ giảm, lạm dụng dây cột thanh đòn thì sức nắm sẽ giảm. Cho nên, chỉ sử dụng khi thật cần thiết (nâng tạ nặng, thử mức tạ mới)