Tại buổi giao lưu trực tuyến “Phòng và kiểm soát ngộ độc rượu ngày tết” do Báo Thanh niên tổ chức chiều 9/2 tại Hà Nội, Ths.BS Lê Quang Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết, những tuần gần đây, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, điều trị có nguyên nhân liên quan đến rượu.
Ngoài các trường hợp ngộ độc rượu cấp, có cả những ca viêm tụy, xơ gan vì rượu. Các ca xơ gan đa phần là bệnh nhân nghiện rượu lâu năm.
Trước đó, BS Hoàng Nam, Khoa Tiêu Hóa (BV Bạch Mai) cũng thông tin về số bệnh nhân nhập viện điều trị do xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, xơ gan vì rượu gia tăng.
Theo các chuyên gia, bệnh nhân xơ gan do rượu ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, có những bệnh nhân 45 – 50 tuổi đã xơ gan. Bệnh nhân xơ gan phần lớn là người nghiện rượu, uống nhiều rượu lâu năm. Có những người chỉ từ một số chén rượu ban đầu khi đi tiếp khách, rồi tần xuất sử dụng tăng lên, uống thường xuyên và dẫn đến xơ gan.
Hay có bệnh nhân, gan đã xơ, men đã tăng nhưng vẫn uống rượu “bổ”, rượu ngâm đủ loại để bồi bổ cơ thể, không bổ ngang cũng bổ dọc.
“Họ không ý thức được việc uống rượu quá nhiều như vậy có thể gây ảnh hưởng rất xấu đến gan. Uống rượu nhiều sẽ làm tổn thương bộ phận gan, tế bào gan bị hoại tử, thoái hóa mỡ, tổ chức xơ phát triển. Xơ gan làm ảnh hưởng mạnh đến các quá trình chuyển hóa của cơ thể như khả năng chống độc, tạo mật, quá trình đông máu… Men gan tăng cao thể hiện các tế bào gan bị tổn thương và bất cứ loại rượu nào, kể cả rượu xịn, rượu ngâm đều tăng gánh nặng cho gan, ảnh hưởng đến chức năng gan”, chuyên gia cho biết.
Thống kê lượng bệnh nhân điều trị thực tế tại bệnh viện Bạch Mai cho thấy bệnh nhân xơ gan có nguyên do từ rượu đứng thứ hai, chỉ sau xơ gan do vi rút viêm gan B. Trong khi đó, xơ gan là nguy cơ dẫn đến ung thư gan.
Rượu chứa methanol đe dọa tính mạng người uống
Các bác sĩ phân tích, chất cồn ethanol trong rượu với liều nhỏ và từ từ sẽ gây ngộ độc mạn tính cho các cơ quan và mô trong cơ thể, làm tổn thương tế bào và dẫn đến hậu quả là mắc các bệnh mạn tính (gan, ung thư, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường…).
Khi uống nhiều, chất cồn gây nhiễm độc cấp tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của thần kinh trung ương, làm rối loạn phối hợp động tác, giảm tỉnh táo, rối loạn nhận biết, ảnh hưởng đến hành vi, từ đó gây ra các hậu quả cho người uống và người xung quanh (tai nạn, bạo lực, hành vi nguy cơ…).
Tại buổi giao lưu, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội tiếp tục nhấn mạnh nguy cơ ngộ độc rượu do trong rượu có pha methanol. Trong năm 2017 đến nay, Hà Nội ghi nhận 40 bệnh nhân ngộ độc rượu Methanol tại 12 quận, huyện (năm 2017 có 38 trường hợp, từ đầu năm 2018 đến nay có 2 trường hợp).
Hiện tại, 28 bệnh nhân đã ổn định, 12 bệnh nhân nặng xin ra viện, tử vong tại nhà, không rõ nguyên nhân chính tử vong.
Đa số bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu, hay uống rượu và đều uống rượu không rõ nguồn gốc và không có nhãn mác, được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.
BS Thuận khuyến cáo, năm nào cũng vậy, vào dịp cuối năm, Tết và tân niên, nhu cầu sử dụng rượu đều tăng lên, tăng nguy cơ cho sức khỏe. Vì thế, mỗi người cần ý thức bản thân uống với lượng vừa phải.
BS Thuận đặc biệt lưu ý, dù là bia, rượu hay rượu vang bản chất đều có ethanol nên nếu uống quá nhiều đều gây hại cho gan và toàn bộ cơ thể.
“Khuyến cáo chung trên thế giới chỉ nên uống dao động từ 10-40gram rượu/ngày. Theo tôi, chúng ta nên uống ở mức phù hợp với từng thể trạng của mỗi người, và tuyệt đối không được lạm dụng. Đặc biệt, những người mắc bệnh mạn tính (xơ gan, đái tháo đường, cao huyết áp…), phụ nữ có thai, trẻ em, lái xe… thì không được uống” bác sĩ Thuận khuyến cáo.