Mắc bệnh xơ gan vì lạm dụng thuốc nhuộm tóc
Theo thông tin từ nhiều trang báo Trung Quốc, chị Trần (Chen) ở Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang, Trung Quốc vừa được phát hiện là bị bệnh xơ gan giai đoạn muộn có liên quan đến thói quen nhuộm tóc thường xuyên của chị.
10 năm nay cứ 1 tháng 1 lần, chị Trần thường phải nhuộm tóc để che đi những vùng chân tóc bị bạc do tóc mọc dài ra. Cách đây 2 tháng, da của chị có dấu hiệu chuyển sang màu vàng, sau khi đi khám ở bệnh viện, các bác sĩ cho biết chị đã bị bệnh xơ gan, bệnh đã tiến triển đến giai đoạn giữa và cuối. Các bác sĩ cũng nhận định rằng, tình trạng bệnh này không thể không liên quan đến thói quen nhuộm tóc của chị.
Chị Trần cho biết, từ khi khoảng 30 tuổi chị bắt đầu có dấu hiệu bị bạc tóc. Ban đầu tóc chỉ chớm ít sợi bạc, nhưng sau 40 tuổi, tóc bắt đầu bạc nhiều hơn, không còn cách nào khác, chị bắt đầu nhuộm tóc.
Nhưng do tóc mọc rất nhanh, nếu không nhuộm thì chỉ chưa đầy 1 tháng là vùng chân tóc đã bạc trắng, trông rất già. Để che đi phần tóc bạc, mỗi tháng chị đi nhuộm một lần, liên tục như vậy 10 năm nay.
Đầu năm nay, cơ thể chị bắt đầu xuất hiện bất thường, cảm thấy đôi chân không có năng lượng khi đi bộ lên cầu thang, sau đó đi bộ trong vài phút đã cảm thấy mệt mỏi, vàng da, lòng trắng của mắt cũng bị vàng không có lý do.
Sau khi xét nghiệm, chỉ số bilirubin của chị Trần cao hơn 10 lần bình thường và đã được xác định là bệnh xơ gan ở giai đoạn giữa và cuối. Vì bản thân chị không dùng bất cứ loại thuốc nào gây hại cho gan, các bác sĩ tin rằng nguyên nhân chính của xơ gan là nhuộm tóc dài hạn.
Sau hơn 20 ngày điều trị, chức năng gan của chị Trần đã được cải thiện, nhưng tổn thương do hóa chất trên gan gây ra không thể đảo ngược, và có thể điều này cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư gan.
Theo phân tích y tế mà các bác sĩ từng đề cập, hầu hết các loại thuốc nhuộm tóc có chứa hàng chục loại thành phần hóa học, trong số đó có chất nitrobenzene, anilin và các chất khác có thể được hấp thụ qua da, các thành phần độc hại khác gây tổn hại cho các tế bào gan, nó sẽ làm hỏng các tế bào gan, gây tổn thương gan.
Các bác sĩ khuyên người dân không nên nhuộm tóc, nếu hoàn cảnh bắt buộc phải nhuộm, bạn nên chọn thuốc nhuộm tóc có nguồn gốc từ thực vật. Mỗi lần nhuộm tóc phải được cách giãn ra ít nhất sáu tháng, không nên nhuộm với tần suất quá dày.
Tác hại của thuốc nhuộm tóc đối với gan là gì?
Theo ý kiến bác sĩ mục Bệnh gan, kênh Bác sĩ Gia đình (TQ), hiện nay, loại thuốc thường được sử dụng nhất là thuốc nhuộm tóc có tính lâu bền nhờ thành phần oxy hóa, chúng thường được duy trì màu tóc nhuộm cho đến khi tóc mới mọc lên.
Trong thuốc nhuộm tóc chứa thành phần cực kỳ nhạy cảm là p-phenylenediamine, nếu để chúng tiếp xúc và hấp thụ qua da lâu dài có thể gây ra các bệnh dị ứng, bệnh ở đường tiêu hóa, hư hỏng hệ thống gan, dễ bị thiếu máu.
Tuy nhiên, dù p-phenylenediamine được cho là có khả năng gây ung thư nhưng đến nay vẫn chưa có bên liên quan nào đưa ra kết luận chính thức.
Những người dị ứng có xu hướng bị sưng đầu và mắt sau khi nhuộm tóc, có cảm giác đau đớn. Độc tính trong thuốc nhuộm không thể đánh giá được dựa trên việc thuốc nhuộm tóc có mùi hay không và không thể đánh giá liệu thuốc nhuộm tóc có mùi và không mùi thì loại nào độc tính cao hơn.
Chất gây hôi trong thuốc nhuộm tóc là mùi của nước amoniac (amoni hydroxit) chứa trong nó. Phần lớn màu tóc của người châu Á có màu đen hoặc màu nâu đậm. Xét một cách tương đối thì chất tóc của người Châu Á thường dày hơn, thô hơn, nên nhuộm khó hơn.
Thuốc nhuộm tóc để có thể làm sáng lên (tức biến tóc màu tối thành tóc màu sáng) thường chứa chất hydrogen peroxide và amoniac. Khi thuốc có nồng độ càng cao thì khả năng làm mờ dần melanin càng cao hơn (biến tóc sẫm thành tóc sáng) sau khi nhuộm thì tóc sẽ nhanh trở nên nhạt màu hơn.
Đối với một số loại thuốc nhuộm được rao bán với tên gọi là thuốc nhuộm thảo dược từ thiên nhiên, theo các chuyên gia, cho đến nay, không có thuốc nào là thuần thực vật thiên nhiên, đa số đều là sự kết hợp giữa thành phần nguyên liệu có nguồn gốc thực vật với các chất hóa học để tạo thành thuốc nhuộm.
Một số loại nguyên liệu thảo dược được dùng làm thuốc nhuộm tóc sẽ trải qua quá trình chế biến với chất hóa học, tạo thành chất màu đen. Một số loại thuốc nhuộm tóc còn cho thêm các thành phần bổ máu, giảm khả năng bị dị ứng và có thể an toàn hơn.
Trước khi nhuộm tóc nên kiểm tra thuốc và thử phản ứng với thuốc, phải lựa chọn loại thuốc nhuộm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có bảng thành phần của thuốc, giấy phép sản xuất, sản phẩm nhập khẩu cần có thông tin rõ ràng. Nếu một sản phẩm không đủ chuẩn, tốt nhất không nên dùng.
Nên bôi một ít kem Vaseline vào da đầu trước khi nhuộm tóc để nếu bị thuốc nhuộm bám vào da đầu thì có thể dễ dàng gội sạch. Nên thử bôi thuốc nhuộm trên da, sau 2 ngày không có phản ứng phụ thì mới nên nhuộm. Khi nhuộm tóc xong nên gội lại nhiều lần để loại bỏ bớt thuốc nhuộm lưu lại trên đầu. Khi gội cũng cần cẩn thận không làm xước da đầu.