Bức ‘Thôn nữ Bắc kỳ’ được cho là vẽ vào khoảng năm 1935, từng xuất hiện tại hội chợ Salon de la Sadeai ở Hà Nội năm 1936. Bức tranh được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao, trong đó có nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi với những phân tích sâu sắc: “Toàn thể bức tranh chủ yếu là sắc màu xanh lá cây chuyển sang lam ngọc, mềm mại, đa dạng và trong trẻo, vẽ ba thôn nữ miền Kinh Bắc. Người đứng trước là nhân vật chính, nhỏ tuổi nhất, vai gánh buồng chuối được diễn tả một cách tinh tế. Gương mặt xinh xắn, tóc vấn như một chiếc vương miện cài trên đầu. Cô mặc chiếc áo cộc trắng, cổ áo để lộ ra mảnh yếm đào. Một chiếc quần dài màu đen được cột bằng dải lụa xanh. Một dây bùa trừ tà đeo ở cổ, như một điểm trang. Đằng sau là hai phụ nữ lớn tuổi hơn. Đó là mùa Đông, trời lạnh nên họ mặc áo tơi, buộc khăn mỏ quạ, tông xanh nhấn mạnh thêm vẻ lạnh giá của không gian. Cả ba đều có dáng dấp truyền thống tượng trưng và quen thuộc của người nông thôn miền Bắc Việt Nam”
Được biết, ‘Thôn nữ Bắc kỳ’ là 1 trong hơn 20 bức tranh được vẽ trên nền lụa cùng với hàng ngàn bức được cố Hoạ sư vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau. Đặc biệt hơn, Ông còn là người vẽ tranh trên nền lụa đầu tiên của Việt Nam với bức ‘Về chợ’ được vẽ vào năm 1927.
Cố hoạ sĩ Nam Sơn tên thật là Nguyễn Vạn Thọ, Ông vốn có năng khiếu hội hoạ bẩm sinh cộng với niềm ham mê lúc còn nhỏ. Nhận thấy tiềm năng từ Ông, nhà nho Phạm Như Bình và Nguyễn Sĩ Đức đã nhận ông làm học trò và hết lòng truyền thụ những kỹ thuật hội hoạ cho Ông. Được tạo mọi điều kiện, Ông sớm tiếp cận với nền nghệ thuật hội họa cổ Phương Đông: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản…
Là người có công lớn cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam đương đại, Ông đã vẽ không biết bao nhiêu bức tranh minh họa rất sinh động, rất có hồn trong bộ sách Quốc văn giáo khoa thư. Năm 1923 Ông đã tham gia Đấu xảo Hà Nội với bốn bức tranh là: Nhà nho xứ Bắc, Ông già Kim Liên, Cô gái Bắc kỳ và Tĩnh vật được dư luận đánh giá là trong số những tranh sơn dầu đầu tiên ở Việt Nam mà tác giả là bậc kỳ tài về hội hoạ.
Suốt cả cuộc đời, Ông đã cống hiến không mệt mỏi cho nền hội hoạ nước nhà, Ông đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Và một trong số đó chính là việc thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nơi ông là hiệu trưởng người Việt Nam duy nhất. Là giáo sư giảng dạy về hội hoạ tại trường Đông Dương, trong 20 năm, Ông đã đào tạo biết bao nhiêu hoạ sĩ danh tiếng cho nền hội hoạ đương đại Việt Nam. Chúng ta có thể kể đến những cái tên nổi tiếng: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Hoàng Lập Ngôn, Sĩ Ngọc, Trần Đình Thọ, Diệp Minh Châu, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Tạ Thúc Bình, Phan Kế An…
Trong bản thảo Đề cương mỹ thuật Việt Nam, Ông đã chia sẻ về nguyên nhân khiến Ông nung nấu ý định thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương: “Lập nên một trường Đại học để đào tạo lấy nghệ sĩ có tài duy trì lấy nền tảng Mỹ thuật của tổ tiên để lại, ngõ hầu cải tạo, sáng tác lấy một nền Mỹ thuật Đông Phương có cá tính Việt Nam”.
Vai trò là một trong 2 người sáng lập nên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương của Ông được Toàn quyền Đông Dương xác nhận rất rõ ràng trong cuốn “Các trường Mỹ thuật Đông Dương” xuất bản ở Hà Nội năm 1937: “Ông Nam Sơn – giáo sư chuyên ngành bậc 2, là một trong hai người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, dạy hình hoạ và trang trí”.
Có thể nói, danh hoạ Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ là người đặt nền móng đầu tiên cho nền Mỹ thuật đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn. Ngoài những tác phẩm tuyệt vời Ông để lại cho thế hệ sau, Ông còn là người đã truyền dạy cho không biết bao nhiêu nhà danh hoạ với khao khát cháy bỏng là muốn hội hoạ Việt Nam có thể tiến xa hơn nữa.