Bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là một loại bệnh về nội tiết do rối loạn chuyển hóa chất đường trong máu (insulin) khiến cho lượng đường trong máu luôn ở mức cao.
Đây là một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay với tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới.
Bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh, làm giảm tuổi thọ, chính vì vậy nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
9 dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường sau đây sẽ giúp ích trong việc phát hiện bệnh sớm, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Khát nước thường xuyên, đi tiểu nhiều lần.
Khát nước và đi tiểu thường xuyên là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường. Bởi khi bạn mắc bệnh, thận sẽ không thể hấp thụ được lượng đường dư thừa và sẽ phải đào thải vào trong nước tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, cảm giác khát nước cũng tăng lên đáng kể.
Để thỏa mãn cơn khát, người bệnh tiếp tục uống nhiều nước hơn, đặc biệt là 1 số loại nước ngọt, nước có ga càng làm tăng lượng đường trong cơ thể và kéo theo nhu cầu tiểu tiện cao hơn.
Người bình thường trung bình đi tiểu 6-7 lần/ngày. Số lần dao động từ 4-10 lần/ngày cũng vẫn được coi là bình thường nếu bạn vẫn cảm thấy khỏe và số lần đi tiểu không thay đổi.
Ăn uống đầy đủ nhưng vẫn hay bị đói.
Thêm một dấu hiệu sớm và điển hình của bệnh tiểu đường đó là người bệnh luôn có cảm giác đói mặc dù đã ăn rất nhiều.
Nếu cơ thể không sản xuất đủ insulin để chuyển hóa đường (glucose) thành năng lượng, cơ thể bạn sẽ không thể vận chuyển đủ năng lượng đến các tế bào để nuôi cơ thể.
Hậu quả là mặc dù người bệnh đã ăn rất nhiều nhưng vẫn có cảm giác đói, thèm ăn và thậm chí là sụt cân. Thực tế thì việc ăn uống chỉ làm cho lượng đường trong máu tăng cao hơn mà thôi.
Thường xuyên mệt mỏi, ủ rũ.
Đi tiểu nhiều, mất nước, cơ thể không hấp thụ được năng lượng nên dấu hiệu kéo theo là người bệnh mệt mỏi, ủ rũ và hay buồn ngủ.
Mệt mỏi có thể là triệu chứng do nhiều nguyên nhân khác, có thể chưa phải là bệnh lý. Ví dụ như do chế độ ăn uống quá nhiều carb, dung nạp quá nhiều caffein, do tuổi cao.
Nhưng khi kết hợp với các triệu chứng khác có liên quan đến căn bệnh tiểu đường thì mệt mỏi cũng là 1 dấu hiệu điển hình có thể dễ dàng nhận ra.
Mắt yếu hơn.
Loại trừ nguyên nhân bệnh lý về mắt thì dấu hiệu mắt mờ, giảm thị lực cũng là 1 dấu hiệu sớm, báo động bệnh tiểu đường đang tấn công cơ thể bạn.
Nguyên nhân là do sự thay đổi các chất lỏng trong cơ thể đã hòa cùng đường, đi vào thủy tinh thể của mắt từ đó khiến thị giác của bạn bị suy giảm, mắt mờ đi không còn nhìn rõ mọi vật.
Thị lực có thể sẽ trở lại bình thường nếu người bệnh kịp thời phát hiện và kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, nếu bệnh tiểu đường không được điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng thì nguy cơ mù lòa là khó tránh khỏi.
Sụt cân dù vẫn ăn uống bình thường.
Tương tự, loại trừ nguyên nhân do chế độ ăn kiêng, luyện tập giảm cân thì biểu hiện sụt cân không rõ nguyên nhân cũng cần lưu tâm.
Vì cơ thể người bệnh không thể hấp thụ glucose như một nguồn năng lượng nên các chất béo và protein trong các cơ sẽ được đốt dần. Quá trình này khiến trọng lượng cơ thể bắt đầu sụt giảm.
Ngoài ra việc cơ thể bị mất nước cũng góp phần làm giảm cân đột ngột vì cơ thể đã tận dụng tất cả các nguồn chất lỏng có sẵn để sản xuất nước tiểu và đào thải ra ngoài.
Khô da, ngứa ngáy
Như đã đề cập ở trên, khi lượng đường dư thừa được bài tiết vào nước tiểu, quá trình này cũng sẽ lấy đi nguồn chất lỏng có trong các mô, da của người bệnh.
Da dẻ trở nên khô ráp hơn và người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, có thể xuất hiện những vết nứt da, làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Một lý do khác gây ngứa đó là do cơ thể người bệnh bị nhiễm nấm men – một dạng nhiễm trùng do đường huyết cao, tạo môi trường thuận lợi cho nấm men phát triển.
Vết thương lâu lành.
Nếu bạn phát hiện những vết cắt, vết thương hở dù nhỏ và đơn giản nhưng lại rất lâu lành thì đó rất có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường.
Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao không chỉ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm tại các vết cắt, vết loét mà còn làm cho máu lưu thông kém, khó tiếp cận và làm lành các vùng da bị tổn thương.
Hiện tượng này đặc biệt ảnh hưởng đến bàn chân, và không ít trường hợp bệnh nhân tiểu đường bị loét bàn chân dẫn đến tổn thương nghiêm trọng.
Trên da có những mảng thâm đen
Nếu bỗng dưng bạn phát hiện trên da có những mảng thâm đen bất thường, đặc biệt là những vùng da có nếp gấp như cổ, nách, bẹn, khuỷu tay trong, đầu gối trong, các nếp gập ở ngón tay thì cũng có thể lượng đường trong máu của bạn đang cao.
Đây là một dấu hiệu chung của tiền tiểu đường hoặc bệnh tiểu đường và cần được bác sĩ thăm khám, kiểm tra và chẩn đoán.
Tay chân thường xuyên tê, ngứa.
Tê tê, ngứa râm ran, hoặc đau buốt ở bàn tay, bàn chân hoặc ngón tay, ngón chân là một dấu hiệu khác của bệnh tiểu đường.
Như đã đề cập ở trên, lượng đường trong máu cao dẫn đến tình trạng lưu thông máu kém, các dây thần kinh bị tổn thương. Tay và chân là những bộ phận cách xa tim nhất nên sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên dẫn đến đau, tê buốt.
Cũng như nhiều triệu chứng khác, việc kiểm soát lượng đường trong máu sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, làn da bớt khô, và sức khỏe người bệnh sẽ ổn định hơn.
Tiểu đường là căn bệnh mãn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nếu bạn nhận thấy cơ thể có bất kỳ triệu chứng nào trong số những dấu hiệu này, đặc biệt là khi một vài triệu chứng cùng kết hợp và xuất hiện, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám càng sớm càng tốt.