Theo BS CK2 Nguyễn Thúy Quỳnh Mai, Phó khoa nội thận – Miễn dịch ghép bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, béo phì là yếu tố gây hàng loạt bệnh như tuổi thọ giảm, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường, gout, bệnh mạch vành, suy tim, rung nhĩ, đột quỵ, bệnh gan mật, viêm xương khớp, ung thư, rối loạn tâm lý xã hội…
Xét theo góc độ thận học, béo phì gây ra một loạt các thay đổi bất thường trong thận dẫn đến bệnh thận mãn tính. Trong trường hợp xấu nhất, chức năng thận có thể sẽ bị suy giảm đến mức cần phải chạy thận.
Béo phì gây ra trực tiếp những thay đổi về áp lực lọc và áp lực máu tại thận, tổn thương tế bào có chân dẫn đến bệnh thận mãn tính, suy thận giai đoạn cuối.
Với người mắc bệnh thận mãn tính chưa lọc máu, tình trạng thừa cân, béo phì cũng làm tăng tiến triển bệnh.
Béo phì cũng làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường, tăng huyết áp, dẫn đến bệnh thận mãn tính, suy thận giai đoạn cuối. Khi đó, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo nếu không có điều kiện thay thận.
Điều trị bệnh thận ở bệnh nhân béo phì, bước đầu tiên phải giảm trọng lượng, có thể làm giảm protein niệu.
Dùng UCMC (thuốc ức chế men chuyển) để giảm protein niệu, trì hoãn sự tiến triển đến giai đoạn cuối, ngăn chặn sự phát triển của xơ chai cầu thận. Các chất hạ lipid có thể có hiệu quả trong việc làm giảm xơ cứng trung mô và giảm protein niệu.
“Hoàn toàn có thể phòng tránh bệnh thận mãn tính do béo phì” – BS Nguyễn Thúy Quỳnh Mai khẳng định.
Việc giảm cân, kiểm soát BMI (chỉ số khối cơ thể) còn giúp phòng tránh được những bệnh nguy hiểm khác, bằng những nguyên tắc chặt chẽ: ăn uống hợp lý và thường xuyên vận động hay tập thể dục.
Mọi người cũng nên duy trì thói quen ngủ sớm, dậy sớm, hạn chế thức khuya, hạn chế uống trà đặc và cà phê, cai thuốc lá. Đặc biệt là không được nhịn tiểu. Người có triệu chứng rõ rệt, nặng thì cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.
Làm sao biết mình bị béo phì?
Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Béo phì là tình trạng sức khỏe có nguyên nhân dinh dưỡng.
Người bị béo phì ngoài thân hình phì nộn, nặng nề, khó coi… còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh như rối loạn lipit máu, tăng huyết áp, sỏi mật, đái tháo đường, xương khớp, ung thư…
Có nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá thừa cân và béo phì như: Đo lớp mỡ dưới da, đo tỷ trọng cơ thể, dùng các chất phóng xạ hoặc loại cân đặc biệt để đo tỷ lệ phần trăm mỡ trong cơ thể…
Trong các phương pháp này, tính BMI là được nhiều tác giả công nhận. Để tính BMI, lấy số cân nặng (tính bằng kg) chia cho chiều cao bình phương của cơ thể (tính bằng m).
BMI = Cân nặng/(Chiều cao)²
Bảng phân loại thừa cân, béo phì ở người lớn theo BMI của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và của IDI&WPRO cho các nước châu Á như sau:
Theo Bảng phân loại dành cho cộng đồng các nước châu Á thì người Việt Nam chỉ nên có BMI từ 18,5-22,9. Đối với các bạn gái trẻ, chỉ số BMI lý tưởng nhất là từ 18,5 – 20. Với phụ nữ trung niên và người lớn tuổi thì chỉ số BMI lý tưởng là 20 – 22.
Hiện nay tình hình thừa cân và béo phì đang tǎng lên với tốc độ báo động không những ở các quốc gia phát triển mà ở cả các quốc gia đang phát triển.
Ở Việt Nam tỷ lệ thừa cân và béo phì khoảng 5,6%; 6,5% ở các thành phố lớn; 10,7% ở lứa tuổi 15 – 49 và 21,9% ở lứa tuổi 40 – 49.
Để phòng ngừa béo phì, nên tập thể dục ít nhất 3 lần (it nhất 30 phút) mỗi tuần, tăng cường vận động: đi bộ, chơi thể thao, làm vườn; không thuốc lá, uống ít bia rượu và ăn nhiều trái cây, rau…