Để kiểm soát cơn chóng mặt cần hiểu rõ nguyên nhân. Theo các chuyên gia sức khỏe, chóng mặt thường do 5 nguyên nhân phổ biến sau:
Lo âu
Nếu cảm giác chóng mặt kèm theo các triệu chứng của căng thẳng như bồn chồn, hồi hộp, cảm giác sợ hãi thì nhiều khả năng lo lắng chính là nguyên nhân gây chóng mặt, theo Mirror.
Về tức thời, có thể làm giảm cảm giác chóng mặt bằng cách thở chậm và hít sâu hơn, tập trung ánh nhìn vào một điểm ở xa và uống một ít nước. Để ngăn chóng mặt về lâu dài, người bị cần thường xuyên tập thể dục, ngừng hút thuốc, giảm uống rượu bia, cà phê và những món nhiều caffeine.
Huyết áp thấp
Đây là nguyên nhân gây chóng mặt khá phổ biến. Các bác sĩ lưu ý mọi người khi đang nằm hoặc vừa thức giấc đừng nên ngồi dậy quá nhanh mà hãy ngồi dậy từ từ. Cách này có thể giúp hạn chế chóng mặt.
Tuổi tác
Chóng mặt do tuổi tác là tình trạng mà mắt, hệ thống tiền đình bên trong tai và cơ bắp không còn hoạt động hài hòa nữa. Các vấn đề tim mạch liên quan đến tuổi tác cũng có thể gây chóng mặt do lưu lượng máu giảm, theo Mirror.
Tập dưỡng sinh là lựa chọn tốt với người lớn tuổi khi bị chóng mặt do tuổi tác. Ngoài ra, không nên uống thuốc tùy tiện mà hãy tìm đến bác sĩ vì nhiều loại thuốc trị chóng mặt có thể xuất hiện tác dụng phụ.
Thiếu máu
Thiếu máu không những khiến đầu bần thần, chóng mặt mà còn khiến da nhợt nhạt, cơ thể mệt mỏi, uể oải. Nguyên nhân vì cơ thể không được cung cấp đủ chất sắt để tạo ra tế bào hồng cầu và haemoglobin, vốn có chức năng cung cấp ô xy cho não.
Nếu bị thiếu máu, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để bổ sung chất sắt. Ngoài ra, người bệnh còn được khuyến cáo ăn một số thực phẩm giàu sắt như thịt bò, thịt cừu, rau xanh và các loại hạt. Cẩn tránh uống trà khi ăn vì trà sẽ làm cản trở quá trình hấp thụ chất sắt, theo Mirror.
Viêm tai
Viêm tai do vi khuẩn, vi rút có thể gây chóng mặt, buồn nôn và mất thính lực tạm thời. Các bác sĩ có thể kê kháng sinh để chữa viêm tai để kiểm soát tình trạng chóng mặt.