Việc điều trị đau lưng mãn tính tốn rất nhiều thời gian và hiệu quả đôi khi không thể được như mong đợi. Vì thế, thay đổi vài thói quen trong sinh hoạt và làm việc là phương pháp tích cực để phòng tránh đau lưng và những hậu quả của nó.
Sự phiền toái của chứng đau lưng
Mặc dù đau lưng không gây ra những nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó âm thầm làm giảm dần chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị hoặc tiếp cận phương pháp điều trị kém hiệu quả sẽ gây ra tình trạng đau lưng mãn tính với những biến chứng nguy hiểm kèm theo như: Mất cảm giác hai chân, yếu liệt các cơ chi dưới, rối loạn kiểm soát tiêu tiểu do những chèn ép vào hệ thần kinh. Mặt khác, thời gian điều trị lâu và chi phí điều trị cao cũng là gánh nặng cho người bệnh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đau thắt lưng như: chấn thương, thoái hoá cột sống, bệnh lý đĩa đệm, khối u xương, các bệnh tự miễn. Tuy nhiên, trên đây là những nguyên nhân bất khả kháng, điều đáng nói là những nguyên nhân xuất phát từ chính thái độ của người bệnh. Đó chính là những hành vi, thói quen trong sinh hoạt và làm việc. Những thói quen xấu như: ngồi xổm, cúi khom người, mang vác vật nặng và đặc biệt ngồi lâu là những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới đau vùng thắt lưng.
Khi ngồi, vùng cột sống phải chịu rất nhiều áp lực từ trọng lượng cơ thể, các cơ cạnh cột sống phải làm việc tối đa để giữ vững thân mình. Khi ngồi quá lâu, các cơ làm việc quá tải dẫn đến co thắt, gây đau quanh vùng cột sống. Đây là tình trạng sớm, nếu kéo dài có thể dẫn đến các rối loạn cơ học vùng cột sống như cong vẹo, chèn ép rễ thần kinh tọa gây đau dọc xuống chân.
Hãy “rời khỏi chiếc ghế”
Dân văn phòng với đặc tính công việc phải ngồi làm việc trong thời gian rất dài. Đôi lúc vì nhu cầu công việc, nhiều người không rời khỏi vị trí làm việc trong suốt nhiều giờ đồng hồ, tâm lý cố gắng “lướt” qua này khá phổ biến và lâu dần hình thành một thói quen xấu làm ảnh hưởng đến vùng cột sống thắt lưng.
Điều trị các bệnh lý, các rối loạn cơ học vùng cột sống nói chung và đau lưng nói riêng là một quá trình hết sức gian nan và đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả người bệnh lẫn thầy thuốc. Thậm chí, tỷ lệ bệnh nhân tái phát sau điều trị do tiếp tục duy trì các hành vi, thói quen, tư thế xấu là rất cao.
Chính vì thế, việc phòng bệnh đau lưng luôn được các chuyên gia y tế khuyến khích với những lời khuyên rất đơn giản. Chỉ cần đứng lên khỏi ghế sau khoảng 30 đến 45 phút làm việc liên tục đã làm giảm đáng để nguy cơ đau lưng. Thậm chí, ngày nay những nhà sản xuất đồng hồ thông minh còn tích hợp chức năng nhắc nhở người dùng về việc “rời khỏi chiếc ghế” khi đã ngồi quá lâu. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt, việc kiên trì thực hành thói quen này là điều rất quan trọng và cần được lập đi lập lại nhiều lần mới thực sự đem lại lợi ích sức khoẻ và sự “bền bỉ” cho người lao động.