Nhịp tim tăng cao và sốt là cách cơ thể phản ứng với tình trạng viêm nhiễm thông thường. Do đó, nếu bị hai triệu chứng này thì cách tốt nhất là không nên đi tập luyện, theo Health24.
Trong trường hợp người bệnh bị vấn đề dạ dày với các biểu hiện như ói mửa, buồn nôn thì cũng tránh đi tập. Ói mửa, buồn nôn sẽ khiến cơ thể bị mất nước. Tập luyện thể dục, chơi thể thao, đặc biệt là cường độ cao, sẽ khiến đổ mồ hôi nhiều hơn và làm tình trạng mất nước thêm nặng.
Các chuyên gia cũng lưu ý nếu người bệnh đang điều trị bằng kháng sinh thì nên hoàn tất quá trình điều trị trước khi quay trở lại tập luyện, theo Health24.
Một sai lầm mà nhiều người hay mắc là bắt đầu tập luyện trở lại ngay khi các triệu chứng bệnh vừa hết. Khi các triệu chứng không còn, mọi người nghĩ rằng họ đã sẵn sàn quay lại phòng gym. Tuy nhiên, hệ miễn dịch lúc đó vẫn chưa thực sự sẵn sàng.
Tập luyện với cường độ quá nặng, chẳng hạn như chạy đường dài hoặc đua nước rút, có thể làm tổn hại đến hệ miễn dịch và cản trở quá trình bình phục hoàn toàn của cơ thể.
Mặt khác, nhịp tim cũng cần thời gian thích ứng trở lại. Do đó, nếu đẩy cơ thể hoạt động quá mức ngay sau khi hết bệnh sẽ làm tăng nguy cơ tổn tương cơ tim, theo Health24.
Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo mọi người sau khi hết bệnh chỉ nên quay lại tập luyện khi nhịp tim dao động từ 60 đến 100 nhịp/phút. Cơ thể không cảm thấy mệt mỏi và đường hô hấp không bị nghẽn hay nhiễm trùng.
Ngoài ra, người tập hãy ăn nhiều trái cây, rau cải để tăng cường hệ miễn dịch. Một yếu tố khác cũng quan trọng không kém là phải ngủ đủ giấc, theo Health24.