1. Ăn quá nhanh
Họp hành, công việc liên tục khiến rất nhiều người, nhất là giới văn phòng chỉ có ít thời gian dành cho bữa trưa và buộc họ phải ăn thật nhanh. Tuy nhiên, ăn nhanh khiến thức ăn không tiêu hóa kỹ ở khoang miệng, trực tiếp chuyển đến dạ dày khi vẫn ở dạng thô sẽ trực tiếp làm hại niêm mạc dạ dày, tăng gánh nặng và thời gian làm việc cho dạ dày, làm mệt mỏi cơ bắp dạ dày và giảm nhu động dạ dày.
2. Ăn ở bàn làm việc
Bạn sẽ dễ bị phân tâm khi vừa ăn vừa dùng điện thoại hay sử dụng máy tính. Điều này rất có hại cho việc tiêu hóa và dẫn đến việc ăn quá mức vì não của bạn không ghi lại được thực tế là bạn đã ăn no.
Thay vì vừa ăn vừa dán mắt vào các thiết bị điện tử, hãy làm cho bữa trưa trở thành một hoạt động xã hội thú vị bằng cách ngồi cùng các đồng nghiệp khi ăn.
3. Ăn bên ngoài
So với các món ăn tự chế biến, thực phẩm trong nhà hàng thường chứa nhiều calo, chất béo bão hòa và muối rất có hại cho sức khỏe. Do đó, việc chuẩn bị thức ăn dù đơn giản nhưng được mang từ nhà đi sẽ tốt hơn bất cứ loại “sơn hào hải vị” nào bên ngoài.
4. Không ăn rau xanh
Việc loại bỏ rau xanh trong bữa trưa của mình có thể là một thiếu sót dinh dưỡng rất lớn trong chế độ ăn uống. Rau xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin C và chất chống oxy hoá. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao sẽ giúp bạn no lâu hơn, vì vậy bạn không phải ăn vặt vào buổi chiều.
5. Ăn không đúng giờ
Công việc bận rộn khiến cho nhiều người thường xuyên dùng bữa trưa không đúng giờ khiến dạ dày hoạt động không hiệu quả, gây tổn hại đến dạ dày, đồng thời khiến bạn quên cảm giác đói.
6. Ăn hoa quả ngay sau khi ăn trưa
Nhiều người Việt lại có thói quen hay ăn hoa quả sau khi ăn cơm, đây là một thói quen ăn uống không tốt. Lý do vì sau khi thức ăn vào đến dạ dày, phải 1-2 tiếng đồng hồ mới tiêu hóa được. Nếu như vừa ăn cơm xong đã ăn hoa quả ngay sẽ bị các thức ăn ăn trước đó ngăn lại, khiến cho hoa quả không tiêu hoá được. Bạn sẽ dễ phải đối mặt với chứng đầy bụng, đi ngoài, táo bón.