1. Đường
Ăn quá nhiều đường không chỉ ảnh hưởng tới răng mà còn hại gan. Gan biến đường fructose thành chất béo. Vì thế, cơ thể nạp quá nhiều đường tinh luyện và siro ngô fructose dẫn đến tích tụ mỡ có thể gây bệnh cho gan.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng đường có hại cho gan không khác gì rượu, ngay cả khi bạn không bị thừa cân. Vậy là thêm một lí do nữa để bạn cắt giảm các thực phẩm nhiều đường trong khẩu phần ăn hằng ngày như kẹo, soda, bánh ngọt…
2. Thực phẩm chức năng thảo dược
Mặc dù trên nhãn của các sản phẩm này có ghi chữ “tự nhiên” nhưng thực phẩm chức năng thảo dược không thật sự “hoàn hảo”.
Ví dụ, loại thảo dược có tên là kava kava điều trị các triệu chứng mãn kinh hoặc giúp con người thư giãn lại được phát hiện là làm gan hoạt động không đúng cách. Điều này dẫn tới viêm gan và suy gan.
Một số quốc gia đã cấm hoặc hạn chế các loại thảo dược, nhưng nó vẫn còn có mặt trên thị trường Mỹ. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thảo dược nào.
3. Bổ sung quá liều vitamin A
Cơ thể cần vitamin A và bạn có thể nạp bằng một chế độ ăn gồm các loại rau quả, đặc biệt những loại có màu đỏ, vàng, cam. Nhưng nếu bạn uống bổ sung vitamin A liều cao, gan sẽ gặp vấn đề. Vì thế, trước khi uống, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ vì có thể cơ thể không cần bổ sung.
4. Nước ngọt có ga
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người uống nhiều nước ngọt có ga dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), mặc dù chưa chứng minh các loại đồ uống này là nguyên nhân.
Nhưng nếu bạn đang uống nhiều nước ngọt và muốn giảm, đây là động lực rất tốt để bạn từ bỏ thức uống có hại này.
5. Paracetamol
Khi bị đau lưng, đau đầu hoặc cảm lạnh, bạn uống thuốc giảm đau. Hãy chắc chắn bạn uống đúng liều. Nếu bạn tự tiện uống quá nhiều acetaminophen hay acetaminophen, gan sẽ bị tổn thương. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để biết tổng liều có thể uống được trong một ngày và tuân thủ hướng dẫn đó.
6. Chất béo chuyển hóa (trans fat)
Đây là chất béo chuyển hóa “do con người tạo ra” có trong các thực phẩm đóng gói và nướng. Một chế độ dinh dưỡng nhiều chất béo chuyển hóa này khiến bạn dễ tăng cân và không tốt cho gan.
Hãy kiểm tra thành phần sản phẩm trước khi sử dụng. Thậm chí, dù trên bao bì ghi chất béo chuyển hóa là 0 gr, bạn cũng nên cân nhắc vì sản phẩm đó có thể chứa một lượng nhỏ.
7. Rượu
Chắc chắn ai cũng biết uống quá nhiều rượu không tốt cho gan. Nhưng bạn có thể không nhận ra rằng “uống quá nhiều” là bao nhiêu khi bạn là một người nghiện rượu và hay uống rượu. Chưa kể, một ly rượu bình thường còn lớn hơn so với 1 ly rượu theo tiêu chuẩn.
Mỗi ngày, nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn, nữ không uống quá 1 đơn vị và không uống quá 5 ngày/tuần.
Một đơn vị cồn theo cách tính của Tổ chức Y tế Thế giới bằng 10 g cồn nguyên chất, tương đương với 3/4 chai bia 330 ml (5%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%), một cốc bia hơi 330 ml, hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).