Ngày càng có nhiều người trẻ mắc ung thư thanh quản. Điều đặc biệt nguy hiểm là bệnh chỉ có triệu chứng sớm duy nhất là khàn tiếng kéo dài.
Biểu hiện của bệnh
Với các thể viêm thanh quản mạn tính như tăng sản, bạch sản là thể dễ bị ung thư hóa, vì vậy các thể này còn được gọi là trạng thái tiền ung thư. Các u lành tính của thanh quản cũng dễ bị ung thư hóa nhất là loại u nhú thanh quản ở người lớn chiếm tỉ lệ khá cao.
Tùy theo vị trí của ung thư khác nhau mà các triệu chứng lâm sàng cũng khác nhau, kể cả thời gian xuất hiện. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng nhiều người mất tiếng, khàn tiếng kéo dài đi khám thì đã ở giai đoạn muộn.
Khàn tiếng: ngày càng tăng và dẫn đến phát âm khó khăn, khàn đặc, mất tiếng.
Khó thở: xuất hiện và tăng dần mặc dù triệu chứng này đã có từ lâu nhưng ở mức độ nhẹ, bệnh nhân thích ứng được, nhưng sau đó xuất hiện từng cơn khó thở, nguy kịch nhất là khi bị kích thích dẫn đến co thắt thanh quản, đôi khi kèm theo một bội nhiễm thứ phát (đợt viêm cấp do cảm cúm, phù nề do tia phóng xạ) thì khó thở nặng.
Ho: cũng là triệu chứng hay gặp nhưng kín đáo và mang tính chất kích thích, đôi khi có từng cơn ho kiểu co thắt.
Đau: chỉ xuất hiện khi khối u đã lan đến bờ trên của thanh quản, nhất là khi khối u đã bị loét. Đau thường lan lên tai và đau nhói lúc nuốt. Đến giai đoạn muộn thì xuất hiện nuốt khó và sặc thức ăn, xuất tiết vào đường thở thì gây nên những cơn ho sặc sụa. Ở giai đoạn này, toàn trạng cũng bị ảnh hưởng.
Yếu tố nguy cơ
Cho đến nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính gây bệnh, nhưng người ta đề cập tới các yếu tố có liên quan tới bệnh sinh:
Giới tính: chủ yếu hay gặp ở nam giới, chiếm trên 90%, nhiều tác giả cho rằng phụ nữ ít bị bệnh này là do ít tiếp xúc với các yếu tố có liên quan đến gây bệnh so với nam giới.
Tuổi: hay gặp ở độ tuổi từ: 50-70 tuổi (72%), từ 40-50 tuổi ít hơn (12%). Riêng với phụ nữ nếu bị bệnh này thì ở độ tuổi sớm hơn.
Thuốc lá: nhiều người cho đó là một yếu tố quan trọng góp phần phát sinh ung thư thanh quản cũng như ung thư phổi.
Các yếu tố kích thích của khí hậu, ảnh hưởng của nghề nghiệp (phải tiếp xúc với các chất khí, bụi bẩn, hóa chất…) hoặc viêm thanh quản mạn tính (tiền đề của một ung thư hóa).
Chẩn đoán và điều trị
Sau khi khám lâm sàng, sẽ khám cổ và kiểm tra tuyến giáp, thanh quản và các hạch vùng để tìm các khối u hoặc các chỗ phồng bất thường. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết như: Nội soi thanh quản để kiểm tra thanh quản tìm kiếm những vùng bất thường và kiểm tra hai dây thanh âm có di động bình thường hay không.
Khám nghiệm này sẽ không gây đau. Chụp cắt lớp vi tính để chụp hàng loạt các hình ảnh chi tiết của vùng cổ. Có thể phải tiêm một chất nhuộm màu đặc biệt giúp cho thanh quản hiện rõ lên trên hình ảnh. Giải phẫu mảnh bệnh phẩm qua nội soi thanh quản soi dưới kính hiển vi điện tử để tìm các tế bào ác tính. Giải phẫu bệnh là cách duy nhất để khẳng định khối u là ác tính hay không.
Về điều trị, tùy từng giai đoạn bệnh khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể, trong đó có thể là phẫu thuật bảo tồn hay cắt một phần thanh quản; sau phẫu thuật này, người bệnh có thể phát âm thở theo đường sinh lí tự nhiên.
Còn phẫu thuật tiệt căn hay cắt bỏ thanh quản toàn phần; sau phẫu thuật này người bệnh phải thở qua lỗ của khí quản trực tiếp khâu nối ra vùng da ở cổ và phát âm không qua đường sinh lí tự nhiên được (giọng nói thực quản, qua một thiết bị hỗ trợ phát âm hay qua một phẫu thuật để phát âm).
Lời khuyên của bác sĩ
Ung thư thanh quản rất đặc trưng không giống các bệnh ung thư khác, dấu hiệu cảnh báo ung thư thanh quản sớm duy nhất đó là khàn tiếng. Nếu một người khàn tiếng 5 – 7 ngày không có dấu hiệu đỡ, cần đi kiểm tra ngay vùng thanh quản, nhất là người có tiền sử hút thuốc lá và uống rượu.
Việc sàng lọc ung thư thanh quản cũng rất đơn giản, bệnh nhân chỉ cần được bác sĩ soi thanh quản. Nếu phát hiện ra những vùng bất thường, bệnh nhân cần phải được sinh thiết. Sinh thiết là cách duy nhất chắc chắn để khẳng định ung thư.
Nhiều bệnh nhân sau điều trị ung thư thanh quản không còn cảm giác ngon miệng, thay đổi vị giác và khứu giác. Do đó lựa chọn thức ăn rất quan trọng. Đối với chế độ ăn sau điều trị, cần chú ý đảm bảo đủ năng lượng và protein giúp bệnh nhân không bị gầy sút cân, phục hồi sức khỏe và hàn gắn vết thương.
Ăn uống khó khăn có thể do khô miệng, do tia xạ, do đó bệnh nhân ăn đồ lỏng, ẩm với nước sốt, cháo, súp và sữa sẽ dễ nuốt hơn. Các y tá và chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bệnh nhân lựa chọn thức ăn phù hợp.
Sau phẫu thuật hoặc xạ trị, một số bệnh nhân được đặt sonde dạ dày. Hầu hết các bệnh nhân đều có thể quay trở lại chế độ ăn bình thường. Các y tá sẽ giúp đỡ bệnh nhân học nuốt trở lại. Một số bệnh nhân thấy nuốt chất lỏng dễ hơn, một số khác thì ngược lại, do đó bản thân bệnh nhân sẽ tìm được cách ăn phù hợp cho chính mình.