Mỡ bụng là gì?
Có 3 loại chất béo, bao gồm: triglycerides (chất béo lưu thông trong máu), mỡ dưới da (lớp chất béo ngay dưới bề mặt da) và mỡ nội tạng (visceral fat- lớp mỡ bụng nguy hiểm). Mỡ nội tạng tích tụ dưới lớp mỡ bụng và gây ra nhiều nguy cơ cho sức khoẻ của bạn nếu chúng có mặt ở đây quá nhiều.
Bạn sẽ thắc mắc làm sao có thể phân biệt được mỡ bụng của bạn là mỡ dưới da hay mỡ nội tạng. Bạn có thể cảm nhận lớp mỡ dưới da bằng cách véo vào bụng và cảm nhận lớp mỡ nằm ngay bên dưới da, lớp mỡ nội tạng thì bạn sẽ không cảm nhận được.
Suy luận một cách đơn gian: nếu phải lựa chọn mua thực phẩm tại cửa hàng gần bên và một cửa hàng cách xa vài cây số, bạn sẽ chọn mua hàng tại đâu? Tất nhiên là cửa hàng gần bên rồi. Cơ chế hoạt động của cơ thể bạn cũng sẽ tương tự như thế. Tại sao chúng phải tích trữ chất béo ở cánh tay khi chúng có thể đặt lớp mỡ này gần ngay bên cạnh – ở bụng của bạn?
Nguyên nhân gây ra tình trạng thừa mỡ bụng
Mỡ bụng được tạo ra từ việc mất cân bằng giữa năng lượng cơ thể nạp vào và năng lượng cơ thể thật sự tiêu hao. Cơ thể con người sẽ tự chuyển hoá lượng calorie dư thừa thành mỡ dự trữ. Tuy nhiên, quá trình chuyển hoá này sẽ khác nhau tuỳ vào cơ địa của mỗi người. Bạn có thể chỉ nạp vào cơ thể lượng calorie bằng một nửa so với cô bạn của mình, trong khi cô ấy giảm cân còn bạn thì không.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng béo bụng là do nội tiết tố. Lượng estrogen, progesterone và testosterone trong cơ thể biến động theo tuổi tác. Sự mất cân bằng các nội tiết tố này có thể khiến bạn tăng cân và mỡ tích tụ ở một số vị trí nhất định. Một loại hormone khác có thể gây ra tình trạng này là cortisol, được biết đến như hormone căng thẳng. Nếu bạn bị căng thẳng, lượng hormone cortisol tăng lên, cơ thể bạn sẽ tăng cân và thường phần thân giữa sẽ tích mỡ nhiều hơn.
Nguyên nhân cuối cùng là gen di truyền. Một số người sẽ có dễ tích mỡ ở phần thân giữa hơn những người khác vì dáng người của họ. Những người sở hữu dáng quả táo thường sẽ dễ béo ở bụng, trong khi những người có dáng quả lê thường tích mỡ ở thân dưới.
Tại sao phải giảm mỡ bụng?
Khi bạn có mức cân nặng lý tưởng, lượng hormone và hoá chất được tiết ra bởi tế bào mỡ đều có lợi cho sức khoẻ. Chúng có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng insulin, giúp điều tiết sự thèm ăn bằng cách khiền bạn cảm thấy thoả mãn sau khi ăn và thậm chí giúp đốt cháy lượng mỡ dự trữ.
Vấn đề phát sinh khi bạn có nhiều tế bào mỡ và chúng to hơn bình thường, và điều này xảy ra khi một người bị thừa cân. Những tế bào mỡ to sẽ sản xuất nhiều hormone và hoá chất hơn lượng mà cơ thể cần. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn sau này và khiến bạn đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật như béo phì, đột quỵ, bệnh tim và thậm chí cả ung thư.
Thứ khiến mỡ nội tạng nguy hiểm hơn những tế bào mỡ thông thường là chúng được cho rằng sẽ sản sinh ra lượng lớn hoá chất có hại, như hormone dư thừa và độc tố. Hơn nữa, mỡ nội tạng nằm rất gần các cơ quan quan trọng, nhất là gan, chúng có thể gây nguy hiểm cho toàn cơ thể.
Làm thế nào để giảm mỡ bụng?
Đầu tiên, bạn phải xác định nguyên nhân khiến bạn béo bụng: thiếu vận động hay chế độ ăn không hợp lý? Do nội tiết tố hay di truyền? Bạn có thể sẽ cần phải gặp bác sĩ, đặc biệt, khi bạn nghi ngờ rằng mình đang có quá nhiều mỡ nội tạng hoặc mất cân bằng nội tiết dẫn đến tình trạng thừa cân.
Một trong những vấn đề bạn phải tự chấn chỉnh rằng bạn sẽ không thể giảm mỡ trực tiếp ở bất cứ vị trí nào hoặc giảm cân chỉ ở một số nơi nhất định.
Thay vào đó, bạn nên tập trung vào việc đốt năng lượng bằng cách tăng nhịp đập của tim trong lúc vận động hoặc luyện tập cardio cường độ cao. Việc tiêu hao năng lượng sẽ giúp ngăn tình trạng chuyển hoá thành mỡ thừa.
Vì thế, hãy chăm chỉ tập luyện. Tìm một lớp luyện tập phù hợp kết hợp với HIIT, các lớp huấn luyện cường độ cao, bổ sung các bài tập cardio vào quá trình tập luyện của bạn. Tập trung vào những bài tập toàn thân, những dạng bài tập sẽ vận dụng nhiều nhóm cơ cùng lúc, từ đó, bạn sẽ đốt cháy được nhiều năng lượng hơn và tăng lượng nạc trong cơ thể.
Cử tạ và nghỉ ngắn hơn giữa mỗi hiệp
Nếu bạn đang tập cử tạ ở hạng cân vừa phải nhưng vẫn muốn giảm mỡ bụng, đây là lúc bạn nên tập ở mức tạ nặng hơn với cường độ tập cao hơn. Cử tạ nặng sẽ giúp hiệu quả đố nặng lượng kéo dài ngay cả sau khi luyện tập. Tuy nhiên, hãy cân nhắc kĩ số cân nặng mà bạn có thể nâng và tập luyện đúng kĩ thuật để phòng tránh chấn thương.
Đi bộ mỗi ngày
Đi bộ đơn thuần có thể giúp ích rất nhiều trong việc giảm mỡ bụng. Tuy việc tập luyện này rấ đơn giản nhưng lại giúp chuyển hoá trong cơ thể diễn ra tốt hơn. Bên cạnh đó, việc đi bộ còn giúp giảm stress, khiến bạn cảm thấy tinh thần sảng khoái, từ đó giảm sự điều tiết cortisol. Đi bộ còn là một cách giảm cân hiệu quả. “Một giờ đi bộ có thể giúp chúng ta giảm được 0.5 kg mỗi tuần”. Đây là lời của Sahmura, bậc thầy huấn luyện tại thành phố New York, Mỹ.
Đi bộ khi bụng rỗng
Theo nghiên cứu của Tạp chí dinh dưỡng nước Anh, đi bộ vào buổi sáng trước khi ăn có thể đốt cháy đến 20% lượng mỡ trong cơ thể hơn việc tập luyện sau khi ăn. Khi bạn tập luyện trong trạng thái bụng rỗng, cơ thể buộc phải sử dụng mỡ dự trữ như năng lượng. Nếu bạn chạy bộ, cơ thể sẽ sử dụng carbonhydrate, vì nó không thể đốt cháy mỡ kịp với lượng năng lượng tiêu hao. Tuy nhiên, khi bạn đi bộ, cơ thể không đòi hỏi năng lượng nhanh chóng và thay vào đó sẽ đốt cháy mỡ dự trữ. Vì thế, để tạm biệt mỡ bụng đáng ghét, hãy bắt đầu thói quen đi bộ vào sáng sớm. Nhớ sử dụng giày thể thao chuyên dụng, mang theo nước uống để cơ thể không mất nước và giảm cảm giác đói nhé!
Tập Yoga
Thật ra, tập Yoga sẽ không đốt nhiều năng lượng như chạy bộ hoặc nâng tạ, nhưng các bài tập Yoga lại làm giảm tiết cortisol, vốn được biết đến như hormone căng thẳng có khả năng làm béo bụng. Trong một nghiên cứu gần đây, những phụ nữ tập Yoga 35 phút mỗi ngày trong 12 tuần có lượng cortisol trong cơ thể thấp hơn so với những người phụ nữ khác tham gia nghiên cứu.