Thức dậy quá sớm là chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến. Dấu hiệu là bạn thường dậy trước khi báo thức từ hai đến ba giờ. Chứng rối loạn giấc ngủ này gây khó chịu và kiệt sức cho người bệnh.
Nguyên nhân nhiều người thường thức dậy sớm có thể là:
Tuổi tác
Khi bạn già đi, những thay đổi trong nhịp sinh học khiến bạn cần ít giờ ngủ hơn. Điều này có thể làm giấc ngủ gián đoạn khiến bạn thức dậy quá sớm.
Phụ nữ trải qua sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh là nguyên nhân gây gián đoạn giấc ngủ. Nam giới gặp vấn đề tiết niệu do những thay đổi liên quan đến tuổi ở tuyến tiền liệt cũng gây ra trường hợp tương tự.
Lo âu
Tâm trạng lo lắng về một tình huống hoặc sự kiện có thể khiến bạn ngủ ít giờ hơn mỗi đêm. Một số vấn đề có thể gây ra sự lo lắng và thức dậy sớm: Căng thẳng trong công việc, vấn đề gia đình, hôn nhân, mất việc hay cái chết của một thành viên gia đình hoặc bạn bè.
Bên cạnh đó, khi thức dậy vài giờ trước khi báo thức tạo ra nhiều lo lắng khiến bạn không thể ngủ lại được. Ví dụ: bạn lo lắng nếu quay trở lại giấc ngủ sẽ bỏ lỡ báo thức hay bất an khi mình đã không ngủ đủ giấc…
Mất ngủ
Mất ngủ là chứng rối loạn giấc ngủ đặc trưng có các triệu chứng ngắn hạn (cấp tính) hoặc dài hạn (mãn tính). Mất ngủ cấp tính thường là tình huống kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Nếu bị mất ngủ nhiều hơn ba lần mỗi tuần, trong thời gian hơn ba tháng, bạn có thể được chẩn đoán bị mất ngủ mãn tính. Mất ngủ có thể kéo dài tình trạng căng thẳng và lo âu nếu bạn thức dậy quá sớm vào buổi sáng.
Một số nguyên nhân của chứng mất ngủ bao gồm: Mức độ căng thẳng cao. Vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ. Lo lắng, trầm cảm và rối loạn cảm xúc. Tác dụng của một số loại thuốc. Làm việc qua đêm. Có lối sống hoặc công việc ít vận động…
Ngoài ra, mất ngủ còn do một số bệnh như rối loạn nội tiết tố; rối loạn chức năng tuyến giáp; đau cơ; chứng ngưng thở lúc ngủ; các vấn đề về hô hấp như dị ứng hoặc hen suyễn…
Trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là ba tháng đầu, phụ nữ thường gặp phải chứng rối loạn giấc ngủ. Nguyên nhân là do cơ thể đang trải qua một số thay đổi về thể chất và nội tiết tố nhanh chóng.
Trong đó, ợ nóng, ốm nghén có thể ảnh hưởng đến cơ thể vào ban ngày hoặc ban đêm. Chuột rút, khó thở, đau bụng, đau ngực, đau lưng, mơ ác mộng, đi tiểu nhiều khiến phụ nữ mang thai phải thức dậy liên tục trong đêm. Khi em bé lớn lên, cơ thể phụ nữ thay đổi nhiều hơn để chứa chúng, ngủ đủ giấc sẽ trở nên khó khăn một lần nữa.