Tim, gan và thận có chức năng đảm bảo cơ thể hoạt động trơn tru. Tuy nhiên, các cơ quan nội tạng khác như túi mật cũng đóng vai trò quan trọng giúp bạn duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Hầu hết mọi người ít quan tâm tới bộ phận này cho tới khi chúng gặp vấn đề và gây bệnh.
Túi mật là bộ phận nhỏ, có hình dạng giống quả lê và nằm ở bên phải của bụng. Chúng có chức năng cô đặc và lưu trữ mật. Cơ thể sử dụng mật để tiêu hóa thức ăn mỡ. Túi mật chịu trách nhiệm tiết mật vào thực phẩm nhằm phá vỡ cấu trúc của chất béo.
Duy trì sức khỏe bộ phận này sẽ giúp đảm bảo quá trình tiêu hóa diễn ra trơn tru và ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan tới đường ruột.
Áp dụng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp cải thiện sức khỏe túi mật, phòng ngừa bệnh sỏi mật cũng như giảm thiểu các triệu chứng nếu như không may mắc bệnh. Dưới đây là một số loại thực phẩm có lợi và có hại cho sức khỏe túi mật mà bất kì ai cũng nên biết:
Thức ăn có lợi
Protein từ thực vật
Theo chuyên gia dinh dưỡng Clare McKindley tại Trung tâm y tế Ronald Reagan UCLA, California (Hoa Kỳ), các protein từ thực vật trong đậu hà lan, đậu xanh và đậu phụ có khả năng ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sỏi thận.
Loại protein này giúp loại bỏ sự hiện diện của chất béo và cholesterol trong thực phẩm. Ngoài ra, chất xơ trong các loại đậu cũng góp phần hỗ trợ cơ thể bài tiết chất béo và cholesterol ra ngoài.
Thực phẩm đắng
Trên thực tế, thực phẩm có vị đắng thường không được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, theo Lisa Young, tác giả của cuốn The Portion Teller Plan, ít người biết rằng các thực phẩm sở hữu vị đắng nhẹ như súp lơ xanh, atisô đắng, bầu đắng, tỏi tây, cải xoăn, rau mùi tây, gừng có khả năng kích thích cơ thể sản xuất mật nhằm loại bỏ chất béo.
Tiêu thụ các thực phẩm đắng sẽ hỗ trợ tiêu hóa, thúc đẩy hoạt động của túi mật và góp phần ngăn ngừa sỏi mật.
Cam
Không chỉ giàu vitamin C, loại quả này còn giúp bảo vệ sức khỏe túi mật. Một nghiên cứu tới từ Viện Dinh dưỡng và Thực phẩm Hoa Kỳ đã chỉ ra, vitamin C, chất chống oxy hóa có thể hòa tan trong nước, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sỏi mật.
Nhờ khả năng thúc đẩy tiêu hóa chất béo trong cơ thể, loại vitamin này rất có lợi cho sức khỏe túi mật. Lượng chất béo gia tăng sẽ dẫn tới tình trạng axit mật, gây bão hòa cholesterol và tăng cường nguy cơ mắc bệnh.
Hạt lanh
Hạt lanh chứa một lượng lớn chất xơ, giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa loại bỏ độc tố và lượng mật cũ ra ngoài. Do đó, khi cơ thể không hấp thụ đủ chất xơ cần thiết, các chất độc nhanh chóng tích tụ. Hiện tượng này gây tắc nghẽn đường ruột, đầy hơi và táo bón.
Các nhà nghiên cứu tới từ Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho biết, sự hiện diện của axit béo omega-3, axit béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa trong đường ruột có thể ngăn ngừa quá trình hình thành sỏi mật.
Bơ
Bơ được coi là loại thực phẩm rất tốt cho túi mật vì chúng giàu chất béo lành mạnh và kali. Kali là khoáng chất quan trọng góp phần cân bằng chất lỏng và các chất điện giải trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa tình trạng mất nước. Edwina Clark, bác sĩ kiêm trưởng khoa dinh dưỡng tại Yummly cho biết, quá trình hydrat hóa giúp mật duy trì ở trạng thái nhất quán, từ đó hạn chế nguy cơ mắc sỏi mật.
Rau lá xanh đậm
Những loại rau như súp lơ xanh, cải xoăn và rau dền sở hữu một lượng lớn magiê. Chất dinh dưỡng này đóng vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng dành cho người mắc bệnh sỏi mật. Magiê có khả năng loại bỏ tác nhân chính gây hình thành sỏi mật như các muối canxi.
Củ dền
Củ dền là một trong những thực phẩm giúp duy trì sức khỏe túi mật. Dawn Jackson Blatner, chuyên gia dinh dưỡng kiêm tác giả của cuốn The Superfood Swap cho hay, loại củ này sở hữu hợp chất betain không chỉ giúp bảo vệ gan mà còn có khả năng kích thích cơ thể sản xuất mật nhằm loại bỏ chất béo.
Do đó, củ dền là loại thực phẩm không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng dành cho người mắc bệnh sỏi mật.
Thực phẩm có hại
Thức ăn rán
Những loại thực phẩm chiên rán sở hữu một lượng lớn chất béo bão hòa. Chất béo này cũng có mặt trong sữa, các sản phẩm từ bơ sữa và mỡ động vật.
Theo Ashley Barrient, chuyên gia dinh dưỡng kiêm bác sĩ y khoa tại Bệnh viện Northwestern Memorial, thực phẩm đã qua chế biến như khoai tây rán, bánh gối, bánh rán chứa nhiều dầu chưa bão hòa, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa. Các chất này có thể dễ dàng gây áp lực tới túi mật.
Thịt béo
Các loại thịt chứa nhiều chất béo như thịt đỏ, thịt lợn, thịt bò và xúc xích có thể gây cản trở quá trình hoạt động của túi mật. Viện dinh dưỡng và chế độ ăn Hoa Kỳ khuyến cáo, mọi người cần tránh các loại thịt có nhiều chất béo và thay thế chúng bằng protein hoàn chỉnh.
Carbohydrate tinh chế
Các carbohydrate tinh chế trong bánh mì trắng, gạo trắng, bột mì tinh luyện và đường tinh luyện thúc đẩy cơ thể dự trữ chất béo, tăng lượng cholesterol và dẫn đến hình thành sỏi mật.
Hơn nữa, tiêu thụ một lượng lớn các thực phẩm này cũng gia tăng nguy cơ rối loạn túi mật. Mọi người có thể thay thế các thực phẩm giàu carbohydrate tinh luyện bằng các thức ăn khác như mì ống nguyên cám, bánh mì nguyên hạt và gạo nâu.
Trứng
Nghiên cứu tới từ Trung tâm y tế trực thuộc đại học Maryland cho biết, trứng có đặc tính kích thích và sở hữu hàm lượng cholesterol cao. Các yếu tố này đều gây ảnh hưởng xấu tới túi mật và gia tăng nguy cơ mắc sỏi mật. Mọi người có thể tiêu thụ trứng luộc thay vì trứng rán để giảm thiểu lượng mỡ hấp thụ.