Một nghiên cứu mới về hoạt động thần kinh của não bộ đã cho ta biết mối liên hệ thú vị giữa âm nhạc và tập luyện: âm nhạc có thể ngăn ngừa ta cảm thấy mệt mỏi. Mới được đăng tải trên Tạp chí Tâm sinh lý Quốc tế, nghiên cứu đã cho thấy nghe nhạc khi tập luyện kích thích những vùng não bộ riêng biệt, đem lại những lợi ích cực kì hữu hiệu, có thể áp dụng được vào cuộc sống hàng ngày.
“Với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi vẫn luôn thích thú với việc tìm hiểu cơ chế hoạt động của tâm sinh lý con người. Hiệu ứng mà âm nhạc tạo cho ta khi tập luyện đã được nghiên cứu có hệ thống suốt hơn 100 năm nay, thế nhưng ta vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn liệu âm nhạc có tăng hiệu quả tập luyện, đẩy lùi mệt mỏi, tạo dựng những phản ứng có lợi”, tác giả của nghiên cứu mới, Marcelo Bigliassi từ Đại học Brunel London nói.
“Tôi đã dành ra một thập kỉ để trả lời câu hỏi này và cuối cùng, sau một chuỗi dài những nghiên cứu theo dõi hoạt động não bộ, ta đã hiểu được cách não bộ xử lý âm nhạc trong lúc tập luyện”.
Nghiên cứu trên 19 người trưởng thành khỏe mạnh diễn ra như sau: họ nằm xuống một máy quét MRI, nhằm quét não bộ trong khi sử dụng vòng tập bàn tay.
Họ tiến hành 30 bài tập khác nhau, mỗi bài dài 10 phút. Các nhà nghiên cứu chỉ bật nhạc trong một vài bài tập, họ chọn I Heard It Through The Grapevine do Creedence Clearwater Revival trình bày.
Giáo sư Bigliassi và các cộng sự thấy rằng khi âm nhạc nổi lên, những người tham gia thử nghiệm hứng thú hơn, xuất hiện những suy nghĩ không liên quan tới việc họ đang làm – việc tập bàn tay. Một số vùng nhất định trong não bộ có đôi chút thay đổi.
“Âm nhạc là một chất kích thích thính giác cực kì mạnh, có thể dùng để đẩy lùi cảm giác yếu dần đi, xuất hiện khi tập luyện. Phản ứng tâm lý có lợi này xuất hiện thông qua một cơ chế hướng sự chú ý của não bộ, cho ta khả năng kiểm soát cơ bắp hiệu quả hơn”, Bigliassi nói với tờ báo khoa học PsyPost.
“Nghiên cứu của chúng tôi xác nhận rằng phần não cụ thể (như hình dưới) phản ứng lại khi người tham gia thử nghiệm nghe thấy nhạc lúc tập luyện. Dường như phần não ấy là một cơ chế cảm biến, đồng thời xử lý thông tin từ cả bên ngoài và bên trong (âm nhạc và sự đau mỏi cơ bắp khi tập luyện)”.
Bigliassi kết luận lại: Vùng não trên hoạt động càng mạnh, người tập sẽ càng cảm thấy ít mệt mỏi hơn. Khi biết được cơ chế hoạt động của não bộ nói chung và vùng não nói trên nói riêng, ta sẽ có những nghiên cứu trọng tâm hơn, xoáy sâu vào cách kích hoạt cơ chế này để có được hiệu quả cao nhất. Ta sẽ tìm cách “hack” não bộ của chính mình để trở nên mạnh mẽ hơn.
Thế nhưng Bigliassi cũng có những lo ngại của riêng mình. Ông không muốn cường điệu hóa những hiệu ứng có lợi của âm nhạc.
“Bản thân là con người, chúng ta luôn tìm cách trốn tránh thực tại, trốn tránh mọi cảm giác đau đớn, mệt mỏi”, ông giải thích. “Ta đã biết rất nhiều về tâm sinh lý, tâm lý, hiệu ứng của âm nhạc lên tâm lý trong hai thập kỉ vừa rồi. Con người đang dựa dẫm nhiều hơn vào các yếu tố kích thích não bộ. Nếu như ta tiếp tục lạm dụng những yếu tố kích thích thính giác và thị giác như hiện tại, thế hệ người tiếp theo sẽ không thể tự mình chịu đựng cảm giác mệt mỏi và sẽ không thể tập luyện mà thiếu âm nhạc”.
“Tôi cho rằng việc sử dụng âm thanh, âm nhạc để kích thích não bộ rất đáng được đề cao, nhưng hãy sử dụng cẩn trọng”, ông Bigliassi nói. Ta hãy học cách lắng nghe những ngôn ngữ phát ra từ chính cơ thể mình để điều chỉnh cho hợp lý. Tôn trọng mọi giới hạn của bản thân, tôn trọng mọi thứ vốn thuộc về tự nhiên.