Ăn mặn
Ăn mặn chẳng những làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, mà còn gây viêm dạ dày, về lâu dài có thể gây ung thư dạ dày. Bởi muối là “thủ phạm” thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) – loại vi khuẩn gây viêm loét niêm mạc dạ dày dẫn tới ung thư.
Theo một nghiên cứu của tác giả D’Elia và cộng sự thực hiện trên 270 nghìn người trong 6 – 15 năm cho thấy: những người ăn nhiều muối có nguy cơ ung thư dạ dày tăng 68% so với những người bình thường.
Ăn chung bát đũa
Theo quan niệm truyền thống của người Việt, ăn chung bát nước chấm, gắp thức ăn cho nhau trong bữa ăn là thể hiện tình cảm ấm cúng, thân thiện và hiếu khách. Tuy nhiên, đây cũng chính là con đường lây lan vi khuẩn HP – vi khuẩn gây viêm loét ở dạ dày, dẫn tới ung thư.
Vi khuẩn HP cũng dễ dàng lây lan qua các thói quen ăn uống khác như mớm cơm cho trẻ, ăn uống tại quán xá vỉa hè – những nơi bát đũa, ly cốc không đảm bảo vệ sinh.
Ăn đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn
Lối sống hiện đại, công nghiệp là “nền tảng” cho thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh được lên ngôi. Trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn ngày nay đã trở thành những thực phẩm không thể thiếu vì sự tiện lợi, hương vị hấp dẫn. Tuy nhiên, những thức ăn này có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Thức đêm nhiều
Với nhiều người, “cú đêm” thường xuyên là chuyện thường nhưng họ lại ít khi biết được những tác hại của nó như tăng nguy cơ bệnh tim mạch, béo phì, giảm trí nhớ… và đặc biệt gây hại cho dạ dày.
Thức khuya sẽ làm cho dạ dày của bạn hoạt động quá tải, tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa, dịch vị dạ dày tiết nhiều hơn dễ dẫn đến mắc các bệnh như viêm loét, tăng nguy cơ ung thư hình thành.
Ăn đêm
Việc ăn khuya thường xuyên, đặc biệt là các loại đồ ăn nhanh như mì tôm, nước uống có ga… không tốt cho sức khỏe của bạn. Một số nghiên cứu cho biết ăn khuya sẽ khiến dạ dày không có thời gian nghỉ ngơi, làm cản trở sự phục hồi của niêm mạc dạ dày, lâu ngày gây tổn hại niêm mạc dạ dày và tăng nguy cơ ung thư.
Ăn ít rau xanh, trái cây tươi, ăn nhiều thịt
Theo nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia 2017, người Việt nói chung và đặc biệt là các bạn trẻ ăn rất ít rau, khoảng 170 – 200 gram mỗi ngày, bằng ½ mức khuyến cáo của WHO.
Lười ăn rau được cho khiến tình trạng táo bón nặng hơn, ứ đọng chất độc trong cơ thể, làm bệnh ung thư dễ phát triển.
Lười ăn rau xanh kết hợp với ăn nhiều thịt càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nguyên nhân được giải thích là do thịt giàu đạm nên rất dễ bị hỏng, người bán dễ tẩm những loại chất bảo quản mà nấu chín thực phẩm cũng không phân hủy được, tăng nguy cơ ung thư.
Uống rượu
Quỹ nghiên cứu Ung thư thế giới đã cảnh báo rằng: thói quen ăn uống kết hợp rượu với thịt nguội làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày…
Lười vận động
Lười vận động khiến thức ăn không được chuyển hóa và sử dụng, tích tụ trong thành dạ dày gây ra các bệnh lý dạ dày, làm tiền đề cho ung thư tiến triển.
Để giảm nguy cơ ung thư dạ dày, bạn hãy chú ý xây dựng cho mình chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động thăm khám, tầm soát ung thư định kì để phát hiện những bất thường sớm, tăng cơ hội điều trị bệnh thành công.